Xuất khẩu phân bón tăng mạnh
Theo Bộ Công thương, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón tăng mạnh so với cùng kỳ, thị trường ổn định với giá một số loại phân bón giảm nhẹ hoặc đi ngang.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2022, lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 759.812 tấn, tăng 31,7% so với 5 tháng đầu năm 2021, thu về 49,94 triệu USD, tăng 169%, giá trung bình đạt 658 USD/tấn, tăng 104%.
Tính riêng trong tháng 5/2022, cả nước xuất khẩu 132.624 tấn phân bón, tương đương 87,82 triệu USD. Giá xuất khẩu trung bình 662 USD/tấn, giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng 4/2022, với mức giảm tương ứng 10,9%, 13,7% và 3%. Tuy nhiên, con số xuất khẩu này đã tăng 27,2% về lượng, tăng mạnh 146% kim ngạch và tăng 93,4% về giá so với tháng 5/2021.
Riêng với thị trường chủ đạo Campuchia, trong tháng 5/2022 xuất khẩu phân bón sang thị trường này tăng mạnh, tăng 34,2% về lượng, tăng 22,4% về kim ngạch nhưng giảm 8,8% về giá so với tháng 4/2022. Cụ thể, xuất khẩu phân bón sang thị trường Campuchia đạt 65.547 tấn, tương đương 38,54 triệu USD, giá 588 USD/tấn; so với tháng 5/2021 cũng tăng 1,5% về lượng, tăng 66,5% kim ngạch và tăng mạnh 64% về giá.
Xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc cũng tăng 13,9% về lượng, tăng 7,2% về kim ngạch nhưng giảm 5,9% về giá, đạt 14.480 tấn, tương đương 12,16 triệu USD, giá 839,6 USD/tấn; so với tháng 5/2021 tăng rất mạnh 6.482% về lượng, tăng 14.754% kim ngạch và tăng 125,7% về giá.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tại thị trường trong nước, giá phân urê vào giữa tháng 6/2022 đã giảm khoảng 2 triệu đồng/tấn so với đầu năm. Trong đó, giá urê Phú Mỹ và urê Cà Mau bán buôn cho các đại lý từ mức 17 triệu đồng/tấn vào hồi đầu năm thì đến nay đã giảm xuống còn 15 triệu đồng/tấn. Tại các cửa hàng bán lẻ ở Đồng bằng sông Cửu Long, so với cùng kỳ năm trước, giá nhiều loại phân bón như Urê, DAP, NPK, Kali… đã giảm ít nhất từ 20.000-50.000 đồng/bao 50kg.
Theo VnEconomy, giá phân bón tăng gấp đôi suốt gần 2 năm qua, đã khiến nông dân sản xuất nông nghiệp điêu đứng. Nhằm kiềm chế giá phân bón, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng đề xuất Chính phủ có giải pháp hạn chế xuất khẩu, để tăng lượng phân bón bán ở thị trường trong nước.
Để đảm bảo nguồn cung, hạ nhiệt giá mặt hàng này, vào đầu tháng 6/2022, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón vô cơ, không phân biệt tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong các sản phẩm.
Đề xuất đưa thuế phân bón vô cơ có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm, vốn trước đây thuế suất thuế xuất khẩu là 0%, nay tăng lên 5% đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón phản đối.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC), nếu thuế xuất khẩu phân bón (dự kiến áp mức 5%) được áp dụng, sẽ khiến doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bị giảm sức cạnh tranh trước các doanh nghiệp nước ngoài.
Mặc dù giá phân bón vẫn còn rất cao so với mức giá của 2 năm trước đây, nhưng với mức giá hiện nay, doanh nghiệp sản xuất phân bón đối diện với nguy cơ thua lỗ.
Nguyên nhân do giá dầu khí thời gian qua tăng quá cao, khiến giá thành sản xuất không thể hạ được. Thực tế là các doanh nghiệp sản xuất urê như PVCFC đang phải mua khí Nam Côn Sơn theo giá thị trường điều chỉnh theo tháng và chốt theo giá dầu FO (giá miệng giếng, cộng các thuế khác, chi phí phí vận chuyển các kiểu để về bờ) nên lên tới 12 USD/1 triệu BTU. Với giá khí theo thị trường như vậy, bình quân giá thành sản xuất phân đạm của Việt Nam hiện nay cao nhất thế giới.
Trong khi đó, giá khí ở các nước trên thế giới là giá khí nội địa, thấp hơn giá xuất khẩu. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất phân bón ở nước ngoài được hỗ trợ chi phí nguyên liệu đầu vào nên giá thành sản xuất cạnh tranh hơn so với Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận