Xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc: Sao còn phân biệt "khó tính, dễ tính"?
Các nhà quản lý Trung Quốc đang đưa ra thêm nhiều yêu cầu khắt khe hơn với nông, thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Muốn giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường đầy tiềm năng này, không có cách nào khác - doanh nghiệp Việt Nam buộc phải thay đổi tư duy,
DN vẫn chủ quan
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ tháng 6 đến đầu tháng 7/2019, hàng loạt loại nông sản, nhất là trái cây tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hải sản tại các tỉnh miền Trung bị ách tắc, giá rớt thảm hại do không xuất khẩu (XK) được vào Trung Quốc.
Gần đây nhất, hơn 930 tấn mực xà khô của ngư dân huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) bị tồn đọng không tiêu thụ được do phía Trung Quốc đột ngột thay đổi phương thức nhập khẩu (NK) từ tiểu ngạch sang chính ngạch cùng yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc.
Trong khi đó các lô hàng cá tra của Việt Nam XK vào Trung Quốc gặp vướng mắc trong thông quan do ghi nhãn sai tên thương mại bằng tiếng Trung của cá tra là cá basa trên bao bì XK và sử dụng thông tin này để khai báo NK với cơ quan hải quan Trung Quốc. "Thông tin này không đúng với bản chất lô hàng và thông tin trên chứng thư do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp", đại diện Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản cho biết.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – thông tin, những khuyến cáo về thay đổi chính sách NK hàng hóa của Trung Quốc trong năm 2019 đã được thông báo từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, người dân thiếu quan tâm, thương lái thu mua thiếu hiểu biết dẫn đến tình trạng hàng nhiều nhưng không XK được.
Về thủy sản, ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản – nhận định, hiện Việt Nam có 680 DN và 125 loài thủy sản được phía Trung Quốc chấp thuận đủ điều kiện XK sang thị trường này sau khi bảo đảm đầy đủ các tiêu chí của cơ quan quản lý. Đây là con số khá lớn cả về số lượng DN và chủng loại sản phẩm so với các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, có tình trạng một số địa phương, các DN, cơ sở thu mua, chế biến thủy sản... đã không mấy quan tâm tới những quy định này.
Buộc phải tuân thủ quy định
Theo số liệu của Cục Bảo vệ Thực vật, tính đến tháng 4/2019, Cục đã tổng hợp và đã được phía Trung Quốc chấp thuận đối với hơn 1.200 mã số vùng trồng cho 8 loại trái cây trong danh sách tại 42 tỉnh, thành trên cả nước, cùng 608 mã số cơ sở đóng gói tại 31 tỉnh, thành. Tuy nhiên, hiện vẫn có tới 22 tỉnh, thành chưa có mã số vùng trồng, 33 tỉnh, thành chưa có mã số đóng gói, hay nói cách khác là chưa đủ điều kiện để XK trái cây sang Trung Quốc.
Chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn nhận định, thị trường Trung Quốc đã không còn dễ tính. Dù vậy, vị chuyên gia này cho rằng, những thay đổi về yêu cầu chất lượng hàng hóa của thị trường Trung Quốc không phải là quá cao. Họ mới chỉ đưa ra những yêu cầu căn bản về hàng hóa, như: chỉ định rõ DN sản xuất, địa điểm sản xuất, cơ sở đóng gói… "Đây là những bước đầu tiên, DN Việt Nam phải làm được", ông Sơn nói.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, nếu chỉ riêng mình DN thì sẽ khó thành công mà cần sự đồng hành của cơ quan nhà nước. Theo đó, nhà nước phải định ra hệ thống về mã số cho các địa phương, ngành hàng và các loại DN. Nông dân phải tham gia vào hệ thống này, từ đó theo sát diễn biến và sản xuất theo nhu cầu của thị trường.
Thủy sản XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc cần phải đáp ứng 2 điều kiện: Phải được sản xuất tại cơ sở có tên trong Danh sách được phép XK do cơ quan có thẩm quyền của nước XK công nhận; từng lô hàng thủy sản khi XK phải kèm theo Chứng thư an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước XK cấp. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận