Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Bắc Âu còn khiêm tốn, vì sao?
So với các nước ASEAN khác, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản sang thị trường Bắc Âu nhiều nhất, tuy nhiên thị phần chiếm rất ít, chưa đến 1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của khu vực này…
Chiều 15/9/2022, trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 22 - AgroViet 2022, Tổ Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức “Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản tại thị trường Hà Lan và các nước khu vực Bắc Âu và kết nối kinh doanh nông sản quốc tế”.
NÔNG SẢN VIỆT CHIẾM THỊ PHẦN RẤT NHỎ Ở BẮC ÂU
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ hai Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản.
Năng lực sản xuất nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt trên 140 triệu tấn/năm, nhiều mặt hàng đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả, thực phẩm và dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam 8 tháng năm 2022 đạt hơn 36 tỷ USD, trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 2 tỷ USD như cà phê, tôm, gạo, điều, rau quả, gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su.
Đề cập thị trường EU, trong đó có thị trường Bắc Âu, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, cho rằng thách thức trước mắt là nông sản Việt Nam vào thị trường EU chỉ mới 4-5% trên tổng số 160 tỷ USD nhập khẩu của thị trường này.
Việt Nam đang thiếu thương hiệu lớn, nông sản xuất khẩu vào EU chủ yếu dựa vào thương hiệu của nơi này. “EU quy định rất khắt khe về nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi, chúng ta chưa có sự xuất hiện thường xuyên, định kỳ của doanh nghiệp Việt để nắm bắt thị trường, các biến động về chính sách, hàng rào kỹ thuật”, ông Tiến nói.
Chia sẻ thông tin tổng quan về thị trường Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, cho biết khu vực Bắc Âu gồm 5 nước: Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland. Dân số tuy ít (khoảng 25 triệu dân) nhưng có mức thu nhập cao, đây là những nước nhỏ nhưng có nền kinh tế mở và hiện đại. Trong năm 2021, 4 trong số 5 nước Bắc Âu nằm trong top 10 quốc gia có mức thu nhập bình quân cao nhất thế giới. Kim ngạch nhập khẩu tương đối ấn tượng, khoảng 500 tỷ USD/năm.
So với các nước ASEAN khác, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản sang thị trường Bắc Âu nhiều nhất, tuy nhiên thị phần chiếm rất ít, chưa đến 1%. “Trong 27 nước EU, các doanh nghiệp mới chỉ tập trung khai thác tại thị trường Tây Âu truyền thống và còn bỏ ngỏ 20 nước nhỏ khác trong khi tiềm năng thị trường Bắc Âu còn khá lớn. Lý do là thị trường ở địa lý xa xôi và tiêu chuẩn khắt khe nhất trong các nước EU”, bà Thủy thông tin.
CẦN CHIẾN LƯỢC DÀI HẠN ĐỂ MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết người dân Bắc Âu ngày càng có xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ với các phương pháp sản xuất bền vững, ít tác động đến môi trường.
"Muốn chinh phục thị trường Bắc Âu, các doanh nghiệp cần lưu ý đến vấn đề bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn, sản xuất bền vững, trách nhiệm xã hội, thương mại công bằng. Đối với thực phẩm, các doanh nghiệp nên hướng đến sản phẩm có lợi cho sức khỏe, sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm mới lạ và đặc sản vùng miền, sản phẩm tiện lợi", bà Thúy khuyến cáo.
Ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC tại Hà Lan nhận định, tuy Hà Lan chỉ có 17 triệu dân nhưng lại là thị trường “cửa ngõ” nhập khẩu và tái xuất sang các thị trường châu Âu khác. Nếu muốn đưa các sản phẩm vào thị trường Hà Lan, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược dài hạn, cần phải thực hiện nhiều bước để quảng bá thương hiệu nông sản để người tiêu dùng hiểu được giá trị của nông sản đó.
Giám đốc Công ty VIEC tại Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm, khi đã đưa được sản phẩm vào thị trường Hà Lan, bên cạnh việc đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn, các doanh nghiệp cần tạo dựng niềm tin với khách hàng, người tiêu dùng để gây dựng thị trường lâu dài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt được văn hóa tiêu dùng, văn hóa trong kinh doanh, xuất nhập khẩu của các đối tác tại Hà Lan.
Bà Lê Thị Hoài Thương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ tiêu Việt chia sẻ: Vào tháng 8/2022, doanh nghiệp chúng tôi đã tham dự Hội chợ BLMA tại Hà Lan, đã giao tiếp với nhiều doanh nghiệp tại nước này. Thế mạnh của chúng tôi là hạt tiêu, là đơn vị đầu tiên đã sản xuất được gia vị hạt tiêu hữu cơ đạt chuẩn EU.
"Thị trường Bắc Âu nói riêng và EU nói chung, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe. Chúng tôi rất cần tư vấn về kỹ thuật, nâng cao năng suất nhà máy. Những khó khăn này rất cần sự vào cuộc giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các đơn vị liên quan", bà Thương nói.
Theo bà Thương, thị trường Bắc Âu ở xa, sẽ ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, làm giảm sức cạnh tranh. Mặt khác ở Bắc Âu, tiêu chuẩn khắt khe đến mức không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được.
"Tuy nhiên, với thị trường hồ tiêu trị giá 4 triệu USD thì cũng là điều đáng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi tham gia. Rất mong cơ quan thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển hỗ trợ thông tin”, bà Thương đề nghị.
Nguồn: VnE
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận