Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Tự tin cán đích 44 tỷ USD
Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, từ khi chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, các DN bắt đầu tăng tốc sản xuất trở lại để đáp ứng các đơn hàng. Dự kiến, ngành Nông nghiệp nhiều khả năng đạt được 44 tỷ USD sau những ngày ảm đạm.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T (TP HCM) cho biết, đến thời điểm này, 100% lao động của DN đã quay lại làm việc bình thường. Từ đầu tháng 10, sau khi mở cửa trở lại, số đơn hàng của DN đã tăng hơn 20-30% so với đơn hàng có được trong thời gian giãn cách xã hội.
Trong những tháng cuối năm, nhu cầu hàng hóa của các đối tác rất lớn. Đây là một tín hiệu rất mừng với các DN xuất khẩu trái cây.
Từ nay đến cuối năm, ngành rau quả khả năng sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Tùng, lo ngại nhất đối với DN là container vẫn đang khan hiếm. Các cảng ở Mỹ vẫn đang kẹt nên hàng của DN chưa thể tăng lượng xuất sang nước này.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, vừa qua do Việt Nam thực hiện giãn cách diện rộng nên DN bị mất không ít khách hàng. Nhiều đối tác chuyển sang mua trái cây Thái Lan, Campuchia. Tuy nhiên, DN đang tăng tốc tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là thị trường Mỹ, Australia, châu Âu…Kết quả xuất khẩu đang rất tích cực.
Ông Nguyên đánh giá, từ nay đến cuối năm, ngành rau quả khả năng sẽ xuất khẩu được 3,5 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Song, các bộ ngành, địa phương cần có chính sách hỗ trợ người dân tái sản xuất trở lại, vì nhiều nơi người dân đang có tâm lý e ngại sản xuất sau thời gian giãn cách vừa qua. Do vậy, diện tích rau quả trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu Global Gap có thể khan hiếm trong thời gian tới.
Đạt mục tiêu xuất khẩu
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Cty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, nhiều đối tác đã quay trở lại đặt hàng. Tuy nhiên, do khó khăn trong vận chuyển, DN đang chuyển trọng tâm sang thị trường châu Á với thời gian vận chuyển ngắn, linh hoạt hơn.
Ông Quang đánh giá, tiềm năng xuất khẩu tôm hiện rất lớn. Vừa qua, Minh Phú đưa vào hoạt động chuỗi dự án mới bao gồm 4 dự án, trong đó có 3 nhà máy chế biến tôm với công suất 18.000 tấn/năm/nhà máy nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường trong thời gian tới. Ông Quang cho rằng, khả năng đầu năm 2022, DN ngành tôm có thể khôi phục lại cung cấp đơn hàng cho các thị trường lớn như Mỹ, EU.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam thông tin, các DN gỗ đang từng bước hồi phục sản xuất để đáp ứng các đơn hàng cuối năm. Tin vui nhất cho ngành gỗ Việt Nam là vừa qua Mỹ đã khép lại vụ điều tra về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Điều này sẽ giúp ngành gỗ có cơ hội bứt phá trong thời gian tới. 10 tháng vừa qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ qua thị trường Mỹ đạt khoảng 7,4 tỷ USD.
Theo ông Lập, khoảng 50% DN cần tối thiểu 6 tháng để phục hồi công suất so với trước dịch COVID-19. Hiện tại, giá nguyên liệu đầu vào và giá cước vận chuyển tiếp tục tăng cao.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong tháng 10, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt trên 3,4 tỷ USD. Tính chung 10 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước tính đạt gần 38,8 tỷ USD.
Theo ông Tiến, đến thời điểm này ngành nông nghiệp tự tin sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD như đề ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận