Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 25 tỷ USD
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi đạt 232 triệu USD, tăng 26,5%; thuỷ sản đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính đạt 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đóng góp vào kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2023, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ.
RAU QUẢ, GẠO, ĐIỀU TĂNG ẤN TƯỢNG
Trong đó rau quả, gạo và hạt điều là những sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể: Rau quả tăng 80%; gạo (tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% giá trị xuất khẩu), hạt điều (tăng 10,5% khối lượng và tăng 7,7% giá trị xuất khẩu) so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu rau quả tháng 6/2023 ước tính đem về gần 0,95 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với tháng 6/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 2,8 tỷ USD.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết xuất khẩu gạo trong tháng 6/2023 đem về 300 triệu USD. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu gạo được 4,2 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,32 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022 (489 USD/tấn).
Trong nửa đầu năm 2023, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 42,4%; tăng 40,6% về khối lượng và tăng 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc nhập khẩu gạo từ Việt Nam cũng tăng 93,2% về lượng và 116% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đến 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường ngày càng đa dạng, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỉ trọng sản phẩm chất lượng, giá trị gia tăng cao, thâm nhập được vào nhiều thị trường gạo cao cấp.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức bằng và cao hơn Thái Lan, Ấn Độ. Cụ thể, ngày 23/6 gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 503 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với 10 ngày trước đó, bằng với giá gạo 5% tấm của Thái Lan và cao hơn khoảng 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Ấn Độ.
"Tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,1%. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,14% (trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88%), lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%". Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Gạo 25% tấm của Việt Nam tại thời điểm 23/6 cũng tăng 5 USD tấn lên 478 USD/tấn, cao hơn 8 USD/tấn so với gạo cùng chủng loại của Thái Lan và cao hơn khoảng 25 USD/tấn so với gạo Ấn Độ.
Hạt điều trong nửa đầu năm 2023 cũng tăng trưởng ấn tượng, đạt 1,6 tỷ USD, tăng 7,7% về giá trị so với 6 tháng đầu năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam trong quý 2 của năm 2023 ước đạt mức 5.805 USD/tấn, giảm 2,3% so quý 1 và giảm 5% so với tháng 6/2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt mức 5.850 USD/tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu chủng loại hạt điều W320, W240, W180, tỷ trọng chiếm 62,3% tổng lượng và 69,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều các loại. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu các chủng loại hạt điều trên đã tác động tích cực lên toàn ngành.
Riêng cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 1,02 triệu tấn, giảm 2,2%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3% so với nửa đầu năm 2022.
Với các nông sản khác, giá trị kim ngạch xuất khẩu 6 tháng: Cao su 1,05 tỷ USD; Tôm 1,56 tỷ USD; Sản phẩm gỗ 4,07 tỷ USD… đều suy giảm so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,2% trong tổng kim ngạch của ngàng, nhưng giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước
KỲ VỌNG CẢ NĂM TĂNG TRƯỞNG DƯƠNG
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nêu kỳ vọng xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ giải quyết được vấn đề suy giảm kim ngạch, hướng đến 3 quý đạt tăng trưởng 0%. Để từ đó, quý 4 sẽ tăng trưởng dương, và cả năm sẽ đạt con số 55 tỷ USD, tăng trưởng 3,4% so với năm 2022.
Đối với ngành hàng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng chỉ đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó, các sản phẩm chủ lực đều giảm sâu.
Mặt hàng tôm có kim ngạch xuất khẩu 1,56 tỷ USD, giảm 32% so với con số 2,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022. Đối với mặt hàng cá tra, xuất khẩu tháng 6/2023 tiếp tục ghi nhận tăng trưởng âm, dẫn đến kim ngạch 6 tháng đầu năm 2023 giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 840 triệu USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất và xuất khẩu cá tra đang phải chịu nhiều chi phí đầu vào cao, cùng với việc thắt chặt tín dụng và lãi suất tăng cao khiến cho doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn.
"Trong quý 3 tới dây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tổ chức họp trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về Lệnh 248 và 249 và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu; tổ chức tiếp đón và làm việc với đoàn thanh tra của EU đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và các doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam…". Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về triển vọng xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm 2023, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) dự báo sẽ hồi phục, với triển vọng từ thị trường Mỹ đã sáng dần lên.
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ trong nửa đầu năm nay đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2022, tất cả các phân khúc ngành hàng chính đều bị sụt giảm mạnh từ 30 – 60%. Trong đó, 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra, giảm sâu nhất, lần lượt thấp hơn 42% và 62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nhìn nhận doanh số xuất khẩu từng tháng thì thị trường này đang có tín hiệu tốt dần lên. Ngoài yếu tố lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ ở Mỹ giảm, thì một nguyên nhân chính khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ còn chìm trong tăng trưởng âm, đó là vấn đề tồn kho lớn, sau khi các nhà nhập khẩu nước này tăng mua một cách ồ ạt trong nửa đầu năm 2022 với tâm lý dự trữ và dự báo thị trường thiếu hụt nguồn cung trong năm ngoái.
Dự báo trong quý 3, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ giải phóng hết lượng hàng tồn kho. Sang đến quý 4, khi lượng hàng tồn kho đã hết, và vào mùa nhu cầu cao dịp cuối năm, khi đó các nhà nhập khẩu sẽ lấy lại tiến độ đặt hàng từ Việt Nam.
Để lấy lại tăng trưởng dương cho xuất khẩu nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, trong nửa cuối năm, Bộ này sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản. Cùng với đó, thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Trong quý 3/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đàm phán để xuất khẩu dừa tươi sang Hoa Kỳ; thống nhất với Nhật Bản về tem mới đối với mặt hàng Xoài và Thanh long quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản từ 01/8/2023; trao đổi với Tổng Cục Hải quan Trung Quốc để hoàn thiện dự thảo Nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt và các loại quả tươi truyền thống của Việt Nam (trừ chuối).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận