24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngô Vũ Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xuất khẩu ngày 8-10/5: Xuất khẩu sắt thép tăng "phi mã", hạt điều được giá nhưng vẫn gặp khó

Xuất khẩu điều gặp khó; Canada áp thuế chống bán phá giá ghế bọc đệm Việt Nam... là những tin chính trong bản tin xuất khẩu.

Điện tử, máy tính và linh kiện giữ vững vị trí thứ hai trong nhóm hàng xuất khẩu chủ lực

Theo số liệu báo cáo từ Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2021 có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 59,8%).

Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 18,4 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,9 tỷ USD, tăng 30,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12 tỷ USD, tăng 76,9%; hàng dệt may đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9%; giày dép đạt 6,4 tỷ USD, tăng 18,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5 tỷ USD, tăng 50,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 28%; sắt thép đạt 2,7 tỷ USD, tăng 87,9%; thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 6,1%.

Với kết quả trên, điện tử, máy tính và linh kiện tiếp tục giữ vững vị trí là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau điện thoại và linh kiện), chiếm tỷ trọng 15,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 4 tháng đầu năm 2021.

Xuất khẩu sắt thép tăng 85% trong quý 1/2021

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, tính riêng tháng 3/2021, lượng xuất khẩu sắt thép các loại đạt trên 1,23 triệu tấn, trị giá hơn 899 triệu USD, tăng 64,6% về lượng và 66,4% về trị giá so với tháng trước.

Tính chung quý 1/2021, mặt hàng này xuất khẩu đạt hơn 2,9 triệu USD, trị giá 2,04 tỷ USD, tăng 44,7% về lượng và 85% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trong 3 tháng qua, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam với hơn 571,5 nghìn tấn, trị giá trên 298,8 triệu USD.

Tiếp đến là thị trường Campuchia hơn 367,6 nghìn tấn, trị giá hơn 240 triệu USD; thị trường Thái Lan với hơn 159,7 nghìn tấn, trị giá hơn 116,2 triệu USD;…

Năm 2021, ngành thép Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng sản xuất 4-6%. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong quý 1, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán tăng lần lượt là 14,4%; 54% so với cùng kỳ năm trước; riêng thép thanh, thép góc giảm 1,6%.

Dự báo, trong năm 2021 ngành thép sẽ tăng trưởng tốt nhờ hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công cũng như thị trường bất động sản nhà ở có thể nóng trở lại. Ðiều này sẽ tác động tích cực giúp ngành thép đạt mức tăng trưởng cao trong năm nay.

Canada áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp ghế bọc đệm Việt Nam

Mới đây, Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (Cơ quan điều tra - CBSA) đã ban hành Thông báo kết luận điều tra sơ bộ trong vụ việc vụ việc Canada điều tra chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) đối với ghế bọc đệm của Việt Nam và Trung Quốc.

Theo đó, CBSA quyết định áp dụng thuế CBPG và CTC tạm thời đối với ghế bọc đệm kể từ ngày 5/5/2021.

Mức thuế CTC đối với các doanh nghiệp Việt Nam là tương đối tích cực, từ 0% tới 11,73%. Hầu hết các doanh nghiệp hợp tác trả lời bản câu hỏi đều được hưởng mức thuế CTC là 0%. Mức thuế CTC 11,73% chỉ áp dụng với các doanh nghiệp không tham gia hợp tác trong vụ việc. Mức thuế bán phá giá được xác định từ 17,44% tới 89,77%.

Với một số doanh nghiệp có lượng xuất khẩu lớn, dù đã nộp các bản trả lời câu hỏi, nhưng do không có đủ thời gian xử lý thông tin, CBSA đã tạm thời sử dụng các dữ liệu sẵn có. CBSA cũng đang yêu cầu các doanh nghiệp này giải trình một số câu hỏi bổ sung để làm rõ trong giai đoạn điều tra cuối cùng.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đề nghị các doanh nghiệp liên quan tiếp tục theo dõi sát vụ việc, đồng thời hợp tác, đầy đủ toàn diện với Cơ quan điều tra Canada trong suốt quá trình vụ việc diễn ra. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thường xuyên phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại để phối hợp và nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Xuất khẩu điều vẫn gặp khó khăn do thiếu tàu vận chuyển

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), giá nhân điều cuối tháng 4 tăng có nhiều khách hàng hỏi mua. Do người mua nhân thấy rõ rằng các nhà máy chế biến điều không thể mua điều thô giá rẻ mà phải theo giá thị trường nên đã phải tăng giá nhân để mua hàng.

Trong khi đó, lượng thu hoạch điều thô giảm dần, chất lượng giảm nhanh do mưa nhiều và sâu bệnh.

Điều thô Tây Phi vẫn tăng giá do lượng chào hàng ít. Số lượng lớn điều thô Tây Phi được nắm giữ bởi một số công ty lớn. Nhiều lô hàng giao tháng 3 - tháng 4 hiện vẫn chưa có thông báo giao hàng.

Chủ hàng cho biết, tình hình vận chuyển, giao hàng khó khăn do thiếu bao tải, thiếu tàu... Việc này làm cho nhiều nhà máy lo lắng cho các hợp đồng mua điều thô của họ. Một số nhà máy đã phải chấp nhận tăng giá cho một số người bán nhỏ để lấy được hàng.

Các nhà máy vẫn đang gặp khó khăn trong việc giao hàng do thiếu chỗ trên tàu. Người bán đang xin gia hạn một số hợp đồng giá thấp do họ không thể mua nhân điều giá cao nội địa để giao hàng kịp thời.

Các nhờ máy đang chờ điều thô châu Phi nhập về nhiều để lượng nhân nội địa dồi dào hơn với hy vọng giá sẽ giảm nhiệt.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả