Xuất khẩu ngày 29/6-2/7: "Điểm sáng" khu vực FDI; lập đoàn kiểm tra các công ty nhập gạo Ấn Độ; ô tô Trung Quốc gian nan lấy lòng khách Việt
Lập đoàn kiểm tra các công ty nhập gạo Ấn Độ; khu vực FDI dẫn dắt tăng trưởng xuất khẩu… là những tin chính trong bản tin xuất khẩu.
Khu vực FDI dẫn dắt tăng trưởng xuất khẩu
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 6/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 54 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%.
Về xuất khẩu, trong tháng 6/2021 đạt 26,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,58 tỷ USD, tăng 5,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kể cả dầu thô, đạt 18,92 tỷ USD, giảm 0,3%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2021 tăng 17,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14,2%, khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 18,6%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,89 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 116,74 tỷ USD, tăng 33%, chiếm 74,1%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 24,4 tỷ USD, tăng 24%.
Thị trường EU đạt 19,3 tỷ USD, tăng 17,4%. Thị trường ASEAN đạt 13,8 tỷ USD, tăng 26%. Hàn Quốc đạt 10,5 tỷ USD, tăng 14,7%. Nhật Bản đạt 9,9 tỷ USD, tăng 6,9%.
Gạo Ấn Độ tăng nhập khẩu vào Việt Nam, Bộ Công Thương vào cuộc
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định về việc thành lập Đoàn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về hoạt động xuất nhập khẩu gạo.
Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành làm việc với 5 doanh nghiệp gạo gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuận Minh; Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; Công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến.
Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ làm việc với các đơn vị có liên quan về tình hình xuất nhập khẩu gạo hàng hóa phục vụ công tác quản lý, điều hành xuất nhập khẩu gạo theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.
Các doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm tra phối hợp, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các giấy tờ, tài liệu, thông tin theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của những thông tin, tài liệu đã cung cấp cho Đoàn kiểm tra. Trong đó, bao gồm các thông tin về tình hình nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ, tồn kho gạo từ Ấn Độ của doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 22/6, Cục Xuất nhập khẩu đã có Công văn gửi các công ty nhập khẩu gạo từ Ấn Độ.
Theo đó, để phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo chống gian lận xuất xứ, bảo vệ thương hiệu gạo Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu đã yêu cầu các công ty nhập khẩu gạo từ Ấn Độ phối hợp cung cấp các thông tin về tình hình nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ, tồn kho gạo Ấn Độ của công ty và gửi Báo cáo về Bộ Công Thương (đầu mối là Cục Xuất nhập khẩu) trước ngày 29/6/2021.
3 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi 74,8 triệu USD để mua gạo của Ấn Độ, tăng hơn 554 lần về trị giá so cùng kỳ năm ngoái.
Chanh leo, vải thiều Việt Nam được ưa chuộng tại EU
Việt Nam là thị trường cung cấp nhóm sản phẩm trái me tươi, táo, mít, vải, mận, chanh dây, khế lớn thứ 5 cho EU trong quý I/2021, đạt 1,49 nghìn tấn, trị giá 9 triệu Euro, giảm 9,6% về lượng, tăng 12,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, chanh leo và vải thiều là những sản phẩm được ưa chuộng tại thị trường này.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho hay, giai đoạn 2016 - 2020, nhập khẩu trái me tươi, táo, mít, vải, mận, chanh dây, khế của EU giảm 0,2%/năm về lượng, nhưng tăng 4,5%/năm về trị giá.
Quý I/2021, nhập khẩu các sản phẩm này của EU đạt 18,4 nghìn tấn, trị giá 67,4 triệu Eur (tương đương 80,2 triệu USD), giảm 7,2% về lượng nhưng tăng 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá nhập khẩu bình quân trong quý I/2021, đạt 3.661,8 Eur/tấn, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Hà Lan là thị trường cung cấp các sản phẩm này lớn nhất cho EU trong quý I/2021, đạt 4,48 nghìn tấn, trị giá 16,86 triệu Eur (tương đương 20,1 triệu USD), giảm 31,7% về lượng và giảm 18% về tri giá so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là các thị trường như Colombia, Nam Phi, Bỉ…
Việt Nam là thị trường cung cấp nhóm sản phẩm này lớn thứ 5 cho EU trong quý I/2021, đạt 1,49 nghìn tấn, trị giá 9 triệu Eur (tương đương 10,8 triệu USD), giảm 9,6% về lượng, tăng 12,7% về so với cùng kỳ năm 2020. Giá nhập khẩu từ Việt Nam ở mức cao đạt 6.067,1 Eur/tấn, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam giảm 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Trong nhóm sản phẩm này, các tháng đầu năm 2021, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu trái chanh leo sang EU với trị giá xuất khẩu chiếm 97,9% tổng trị giá trị xuất khẩu, còn lại là trái mít, mận và me.
Vải thiều là loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường EU. Đầu tháng 6/2021, lô thiều Lục Ngạn đầu tiên của Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch vào EU theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Ô tô Trung Quốc gian nan chinh phục khách Việt
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2021 đã có gần 9.400 ô tô Trung Quốc được nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam. Con số này tăng vọt gấp hơn 6,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên trong đó, có chưa đến 1.000 chiếc là xe con từ Trung Quốc về Việt Nam.
Thái Lan vẫn là thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất về Việt Nam trong nửa đầu năm nay, với hơn 33.000 xe; xếp sau là Indonesia với trên 18.000 xe.
Song khác với ô tô từ Trung Quốc, xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia về Việt Nam chủ yếu là xe con. Mức tăng trưởng xe nhập khẩu từ hai thị trường này cũng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả gần 1.000 xe cho 5 tháng đầu năm 2021 là một con số tích cực đối với ô tô con Trung Quốc nhập khẩu. Thực tế những năm gần đây, một số dòng xe Trung Quốc đã gây được sự chú ý đối với khách hàng như Beijing X7 hay trước đó là Brilliance V7, BAIC X55, Zotye Z8…
Lợi thế của các mẫu xe con thương hiệu Trung Quốc là sở hữu ngoại hình bắt mắt, trang bị nhiều tính năng, công nghệ hiện đại… với mức giá cạnh tranh hơn so với đối thủ cùng phân khúc. Chẳng hạn như Beijing X7 được chào bán với mức giá 528-688 triệu đồng, rẻ hơn Hyundai Tucson hay Mazda CX-5, trong khi lại ngập tràn công nghệ.
Tuy nhiên, những dòng xe Trung Quốc này hiện mới chỉ chinh phục được một nhóm nhỏ khách hàng. Doanh số toàn bộ xe con nhập khẩu Trung Quốc về Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay chỉ bằng một tháng của Tucson hay CX-5… Người dùng chọn dòng xe Trung Quốc chủ yếu là khách hàng trẻ, những người ưa thích khám phá và sẵn sàng thử nghiệm sản phẩm mới.
Một bộ phận lớn khách hàng còn tâm lý e ngại vì xe chưa có thương hiệu mạnh tại Việt Nam, hệ thống phân phối, dịch vụ còn hạn chế. Ngoài ra, một số dòng xe Trung Quốc được giới thiệu với hàng loạt tính năng nhưng chúng chưa thể sử dụng hết toàn bộ tại thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, một số dòng xe trước đây nhập khẩu từ Trung Quốc lại tìm cách chuyển hướng nhập khẩu để cải thiện doanh số. Chẳng hạn mẫu MG ZS hồi mới đưa về Việt Nam được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc, nhưng trên phiên bản mới đã chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan. Cùng với những nâng cấp về sản phẩm, mẫu ZS sau đó đã được khách hàng đón nhận nhiều hơn.
Bối cảnh hiện nay khi các hãng xe lớn trong nước liên tục đưa ra các chương trình giảm giá, tặng nhiều ưu đãi, sức ép cho ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc được nhận định sẽ nhiều lên.
Mặc dù vậy, thị trường xe cũng chứng kiến sự chuyển dịch sang nhóm khách hàng trẻ, có tâm lý cởi mở hơn với nguồn gốc xuất xứ. Đây sẽ là tiền đề để ô tô Trung Quốc mở rộng khách hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận