menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngân Hà

Xuất khẩu năm 2020: Vượt sóng dữ

Hoạt động ngoại thương năm 2020 được nhận định sẽ nhiều khó khăn hơn. Chính phủ cũng đã phải điều chỉnh chỉ tiêu nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu…

Tổng kim ngạch xuất khẩu vượt 500 tỷ USD với xuất khẩu tăng trưởng vượt mục tiêu và xuất siêu trên 10 tỷ USD là những con số ấn tượng của thương mại quốc tế trong năm 2019.

Tổng kim ngạch xuất khẩu vượt 500 tỷ USD với xuất khẩu tăng trưởng vượt mục tiêu và xuất siêu trên 10 tỷ USD là những con số ấn tượng của thương mại quốc tế trong năm 2019. Kết quả này càng đáng khích lệ hơn trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa các đối tác ngoại thương lớn của Việt Nam, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Nhiều chuyển dịch tích cực

Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2019 có thể nói đã diễn biến tích cực ở tất cả các khía cạnh. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, đây là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam, với mức xuất siêu cao kỷ lục gần 10 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2019 đạt khoảng 516, 96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018.

Điểm đáng chú ý là quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết tháng 12/2019, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Dấu ấn quan trọng khác là khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu. Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước đã cao hơn khối doanh nghiệp FDI. Năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu khoảng 69,7 tỷ USD, tăng 15,9%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung và cao hơn mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) là 12,9%. Năm 2019, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đã đạt 82,1 tỷ, tăng 17,7%; cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô, đạt 4,2%). Qua đó tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 31,16% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,61%).

“Tất cả các nhóm thị trường mà ta có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy ta đã chủ động khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết. Kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như: ASEAN (tăng 2%), Hàn Quốc (tăng 8,3%), Ấn Độ (tăng 2,1%), New Zealand (tăng 9,7%). Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu 46,4 tỷ USD); EU (xuất siêu 26,9 tỷ USD). Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Cụ thể: xuất khẩu sang Canađa đạt 3,86 tỷ USD, tăng 28,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,84 tỷ USD, tăng 26,8%...”, ông Hải nói.

Cùng với đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.

Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 4,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 9,7% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018, qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,33% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,87% của năm 2018 và 81% của năm 2017. Các mặt hàng chủ lực khác duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao như: Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính tăng 20,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,2%; giày dép tăng 12,7%; kim loại thường khác tăng 10,3%; sản phẩm từ sắt thép tăng 9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 11,9%.

Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Xuất khẩu 2020 - nhiều thách thức

Nhận định về xuất khẩu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, hoạt động này tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, những đổi mới hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu...

Việc CPTPP được thực thi có những kết quả bước đầu tích cực năm 2019 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có thể được thông qua trong năm 2020 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới.

Chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định cũng là những cơ sở để sản xuất kinh doanh phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu.

Tuy nhiên khó khăn, thách thức cũng không nhỏ khi kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn và tăng trưởng được dự báo tiếp tục giảm tốc. Thương mại suy giảm sẽ tác động tiêu cực tới các chuỗi cung ứng của Việt Nam, cũng như nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ do Việt Nam sản xuất. Bên cạnh đó xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn và xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng.

“Xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn do nhu cầu ở mức thấp trong khi cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu đang ngày càng gay gắt hơn. Giá xuất khẩu nông sản không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng xuất khẩu. Quy mô sản xuất một số mặt hàng còn manh mún, khó kiểm soát vấn đề chất lượng cũng như về truy xuất nguồn gốc“, lãnh đạo Bộ Công thương dẫn chứng.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương dự báo tốc độ tăng trưởng nhập khẩu (khoảng 8-10%), tăng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (khoảng 6-7%) và dự báo nhập siêu trong năm 2020 nhưng lượng nhập siêu không lớn.

Để đạt mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết thời gian tới sẽ chú trọng tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Bên cạnh đó, để vượt qua các rào cản, cần nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; kịp thời thông tin để Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời. Xây dựng kênh thông tin cập nhật diễn biến thị trường, dự báo và đánh giá về tình hình cung cầu, giá cả để doanh nghiệp có thông tin định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Song song với đó, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và có nhiều tiềm năng; lựa chọn và tập trung xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực.

Một vấn đề mới cần đẩy mạnh khác là công tác chống gian lận xuất xứ hàng hóa. Bộ cũng sẽ chú trọng thực hiện các quy định, tăng cường quản lý nhà nước về gian lận xuất xứ để đảm bảo các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu theo Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”…

Một số lưu ý với doanh nghiệp xuất khẩu

- Kinh tế thế giới trong năm 2020 được nhận định còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo tiếp tục giảm tốc.

- Chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU... có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều.

- Xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn. Trong thực tế, những tác động này phần nào đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019.

- Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.

- Cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản do ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi cầu hạn chế.

- Gia tăng yêu cầu kiểm soát vấn đề chất lượng cũng như về truy xuất nguồn gốc, trong khi năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Giá xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản đang trong xu hướng giảm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả