Xuất khẩu lâm sản giữ vững phong độ trong 4 tháng đầu năm
Tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Cục Xuất nhập khẩu nhận định trong thời gian tới, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có triển vọng khả quan bởi nhu cầu tại các thị trường lớn tăng mạnh trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, cước vận tải và chi phí sản xuất vẫn là bài toán nan giải với các doanh nghiệp.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong tháng 4 giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 12% so với tháng 4/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 73% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường chính đều tăng, trừ thị trường Anh và Đức. Trong đó, giá trị xuất khẩu tới thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 60%, đạt 3,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021.
Với quy mô dân số hơn 333 triệu người cùng sức mua lớn, lại đang trong giai đoạn phục hồi mạnh sau đại dịch, Mỹ là thị trường tiềm năng đối với gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Ngoài ra, xuất khẩu gỗ sang Nhật Bản đạt 545,2 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021; Hàn Quốc đạt 356 triệu USD, tăng 21%...
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong thời gian tới xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có triển vọng khả quan bởi nhu cầu tại các thị trường lớn tăng mạnh trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Tuy nhiên, chi phí vận chuyển, sản xuất phi mã có thể cản trở đà tăng trưởng của ngành gỗ trong năm 2022, khiến doanh nghiệp ngành gỗ gặp nhiều khó khăn hơn.
Ông Võ Thành Lợi, Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, cho biết doanh nghiệp gỗ đã có đơn hàng tới hết quý 3/2022. Tuy nhiên, chi phí logistics phi mã khiến giá thành sản xuất tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm.
“Thách thức lớn nhất của ngành gỗ là chi phí vận chuyển không ngừng tăng kể từ năm 2020 đến nay. Cước vận chuyển tăng khiến giá gỗ nguyên liệu thiết lập mặt bằng mới, điển hình như gỗ sồi tăng 28%, gỗ gõ tăng 40%, gỗ dương tăng 40%. Điều này có thể làm giảm biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 20 tỷ USD vào năm 2025”, ông Lợi nói.
Trong bối cảnh chi phí đầu vào phi mã, các doanh nghiệp đã phải đàm phán với các tổ chức tài chính để tăng hạn mức vốn lưu động, tạo điều kiện ký hợp đồng mua nguyên vật liệu và dịch vụ logistics dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận