Xuất khẩu hồi phục, cổ phiếu ngành thủy sản sắp nổi “sóng”?
Theo VASEP, dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cá tra và tôm tiếp tục là điểm sáng trong xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm.
Xuất khẩu thủy sản dần phục hồi
Cụ thể, với lĩnh vực xuất khẩu cá tra, trong tháng 1/2021 đạt 123,5 triệu USD, tăng 22% và tháng 2 đạt 90 triệu USD, giảm 17%. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt 214 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, ở lĩnh vực xuất khẩu tôm, lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt trên 380 triệu USD, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 259,1 nghìn tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD, tăng 5,5% về lượng, nhưng giảm 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nếu so với giai đoạn "khủng hoảng" vì dịch Covid-19, lĩnh vực xuất khẩu thủy sản đang dần phục hồi khá tốt.
Theo VASEP, với đà xuất khẩu này, dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài những con số biết nói về sản lượng và giá trị, điểm tích cực với ngành thủy sản xuất khẩu, là những tín hiệu khả quan từ các thị trường tiềm năng. Theo đó, chỉ riêng trong tháng 2, Việt Nam xuất khẩu thuỷ sản sang 104 thị trường trên thế giới, trong đó 10 thị trường có kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản cao nhất từ Việt Nam gồm: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada, Australia, Thái Lan, Anh, Nga và Hà Lan, chiếm 75,4% tổng xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.
Theo thống kê, Mỹ vẫn dẫn đầu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam với 21% thị phần, kế đến là Hàn Quốc (9,2%), Trung Quốc (8,3%), Nhật Bản (7,8%)… Đáng chú ý trong các thị trường trọng điểm này, là sự trở lại ngoạn mục của Trung Quốc với mức tăng nhập khẩu 114% trong tháng 2. Sự phục hồi này mang lại tín hiệu lạc quan cho xuất khẩu thuỷ sản trong những tháng tiếp theo.
"Kết quả xuất khẩu thuỷ sản tháng 2 cho thấy tác động tích cực của hiệp định CPTPP và EVFTA đối với thuỷ sản Việt Nam. Trong đó, đa số các nước tham gia hiệp định đều chứng kiến tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái", đại diện VASEP, nhận định.
Những tín hiệu tích cực của thị trường xuất khẩu khiến nhóm cổ phiếu thủy sản trở nên hấp dẫn hơn trong những ngày gần đây.
Chẳng hạn, cổ phiếu VHC của Công ty CP Vĩnh Hoàn trong phiên giao dịch hôm nay đã tăng nhẹ lên 42.400 đồng/CP. Tương tự, cổ phiếu MPC của "vua tôm" Minh Phú cũng tăng thêm 2.500 đồng/CP trong phiên giao dịch hôm nay (tăng 6,7%), lên mức giá 39.900 đồng/CP.
Ngành thủy sản sẽ hưởng lợi từ các FTAs?
Thực tế, từ cuối năm 2020 đến nay, ngành tôm đang có lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) vừa ký kết và đi vào thực thi.
Chẳng hạn, với thị trường EU, nhờ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu sẽ được giảm từ 12 – 20% xuống 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Nhờ đó, xuất khẩu tôm sang khối EU tăng mạnh. Thống kê cho thấy, tháng 1/2021, xuất khẩu tôm sang EU tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, với giá trị xuất khẩu đạt gần 30 triệu USD, tăng 16%.
Dự báo quý 1/2021, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường EU tiếp tục tăng trưởng dương hai con số nhờ sự phục hồi của nhiều nền kinh tế, trong đó nhu cầu tiêu thụ của một số thị trường ở Bắc Âu cũng đã tăng trưởng mạnh so với năm 2020.
Về thị trường thủy sản nói chung, thống kê từ các bộ ngành cho thấy, hiệu ứng của EVFTA đã giúp xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU tăng mạnh. Cụ thể, suốt 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thuỷ sản sang EU giảm liên tục 2 con số từ 17-26%. Tuy nhiên, đến tháng 8, khi EVFTA chính thức có hiệu lực thì kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang EU bắt đầu tăng 1%, tháng 9 tăng 19%, tháng 10 tăng 20%, tháng 11 tăng 30%, tháng 12 tăng 15%. Bước sang những tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng, đạt 19,72 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, VASEP cho rằng, để tận dụng được các ưu đãi từ thị trường EU sau EVFTA và các thị trường khác, cần thiết phải tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm. Bởi sản phẩm không chỉ muốn là bán được mà còn phải cạnh tranh với các quốc gia khác như Ấn Độ, Indonesia,…
"Hiện khó có thể giảm giá thành, nên để cạnh tranh, chỉ còn cách tạo sự khác biệt về mặt chất lượng để thuyết phục khách hàng chấp nhận mua sản phẩm của Việt Nam với mức giá cao hơn. Đồng thời, doanh nghiệp cần tìm kiếm các thị trường mới như Ấn Độ, bên cạnh tập trung phát triển các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, ASEAN, Trung Quốc…", VASEP, đánh giá.
Tương tự, xuất khẩu sang các nước thuộc Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiện có kim ngạch chỉ thua kim ngạch xuất vào thị trường Mỹ, và vượt qua thị trường Trung Quốc, Hongkong (Trung Quốc), tạo sự cân bằng trong hoạt động xuất khẩu vào các thị trường lớn.
Theo VASEP, ngoài EVFTA và CPTPP, ngành thủy sản vẫn có những cơ hội từ các FTA thế hệ mới như RCEP, UKVFTA… Các FTA này đều có những tác động tốt, giúp nâng cao tính cạnh tranh và hỗ trợ cho xuất khẩu thủy sản đạt mục tiêu tăng 10%, tương đương 9,4 tỷ USD trong năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận