Xuất khẩu hàng hóa: Chờ sức bật từ “chiếc lò xo”
Thời gian qua, khi dịch bệnh lên cao, nhu cầu hàng hóa của thị trường thế giới bị nén lại. Khi đại dịch được kiểm soát và đi qua, nhu cầu tiêu dùng “bung” lên được kỳ vọng sẽ là lực đẩy để hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, giúp đạt mục tiêu xuất khẩu như đ
Khó khăn ở hàng loạt thị trường
Hoạt động xuất khẩu đang bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn khi nhu cầu của nhiều khách hàng lớn của nước đa đang giảm sút trước sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Bộ Công Thương ước tính, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4/2020 ước đạt 19,7 tỷ USD, giảm mạnh 18,4% so với tháng 3/2020 và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 6,5%).
Phân tích về những khó khăn của hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, Covid-19 là đại dịch toàn cầu và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, trong đó xuất khẩu bị ảnh hưởng rõ nét.
Cụ thể, ngay khi xảy ra, dịch bệnh đã khiến hoạt động giao thương tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc gần như tê liệt. Trung Quốc vốn là đối tác thương mại lớn nhất của ta, rất nhiều ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ quốc gia này nên trong tháng 2, khi đại dịch mới xảy ra, việc áp dụng các giải pháp phòng dịch tại cửa khẩu đã gây nên khó khăn cho lưu thông hàng hóa giữa hai nước, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu.
Ngay sau đó, ta tiếp tục gặp phải khó khăn khi những thị trường lớn nhất của ta là châu Âu và Hoa Kỳ cũng sụt giảm đáng kể nhu cầu nhập khẩu do dịch bệnh. Các hoạt động mua sắm, thương mại sụt giảm, rất nhiều nước áp dụng các biện pháp phong tỏa và do đó, thị trường gần như đóng băng, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này bị ảnh hưởng rất mạnh.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, đến cuối tháng 4, thị trường bị ảnh hưởng nhiều nhất là châu Âu, trong đó những đối tác Việt Nam xuất khẩu nhiều như Đức, Anh, Pháp, Italia, Hà Lan đều ghi nhận sự sụt giảm. 4 tháng đầu năm chúng ta duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu vào EU ở mức 5%, dù không phải là con số tăng trưởng âm nhưng so với những năm trước đây thì mức tăng trưởng thấp hơn rất nhiều.
Riêng Hoa Kỳ có mức độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn các thị trường khác do trước khi dịch bệnh xảy ra, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng và hiện hoạt động xuất khẩu sang khu vực này vẫn duy trì tương đối ổn định. Tuy nhiên, trong thời gian tới, dự báo hoạt động xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ sụt giảm.
Ông Trần Thanh Hải chia sẻ thêm, ngay cả với các đối tác lớn trong khối CPTPP như Canada, Mexico nếu năm trước duy trì kim ngạch xuất khẩu lên đến gần 30% thì những tháng đầu năm nay cũng ghi nhận sự sụt giảm.
“Hiện nay, ở Việt Nam, dịch bệnh cơ bản đã được khống chế, nhưng ở nhiều nước, dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Hiện nay giao thương đường biển cơ bản được giữ ổn định, nhưng đường bộ và đường hàng không vẫn chưa được khôi phục như trước nên ảnh hưởng dịch bệnh còn khá nghiêm trọng và chúng ta chưa thể đánh giá hết được hậu quả”, ông Trần Thanh Hải chỉ rõ.
Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Bộ Công Thương đang tích cực vào cuộc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đảm bảo hoạt động sản xuất xuất khẩu song hành với chống dịch. Ông Trần Thanh Hải cho hay, hiện nay, Bộ Công Thương đang tập trung vào các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc ở khu vực biên giới, đặc biệt là biên giới phía Bắc với Trung Quốc. Bởi xuất khẩu hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là tại tỉnh Lạng Sơn vẫn đang tương đối chậm và lượng xe tồn đọng ở cửa khẩu còn tương đối lớn. Do đó tháo gỡ khó khăn cho khu vực này vẫn là giải pháp trọng tâm.
Bên cạnh đó, nhằm chuẩn bị cho sự hồi phục của các thị trường thì hoạt động xúc tiến thương mại ũng là giải pháp quan trọng được Bộ Công Thương đặt ra. Trong đó, tập trung khai thác tốt việc xúc tiến qua thương mại điện tử.
“Với các FTA sắp có hiệu lực như EVFTA hay FTA Việt Nam-Cuba thì việc tuyên truyền về lợi ích cũng như cách tận dụng các lợi ích này, đặc biệt là thông qua quy tắc xuất xứ cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng dự kiến làm việc với các hiệp hội để rà soát các kiến nghị cho các DN để vượt qua các khó khăn này, từ đó kiến nghị Chính phủ có các giải pháp rốt ráo”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Đầu năm nay, khi chưa có đại dịch, Chính phủ đặt mục tiêu xuất khẩu năm nay sẽ đạt 300 tỷ USD. Đây được đánh giá là mục tiêu lớn và phải rất nỗ lực mới đạt được.
“Hiện Chính phủ vẫn chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và chúng ta xác định rằng đó là mốc chúng ta phải phấn đấu thời gian tới. Thời gian qua, khi dịch bệnh lên cao, nhu cầu của thị trường thế giới dường như nén lại. Khi đại dịch đi qua, nhu cầu tiêu dùng sẽ bung lên. Dù sức bật này có thể chưa quá mạnh nhưng đó cũng là lực hút để các nước XK như Việt Nam có thể đẩy mạnh đưa hàng hóa ra nước ngoài, đạt mục tiêu Chính phủ đã “đặt hàng””, ông Hải khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận