Xuất khẩu hải sản gấp rút gỡ “thẻ vàng” từ EC
Chiếc “thẻ vàng” từ Ủy ban châu Âu (EC) đã khiến kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU từ cuối năm 2017 đến nay giảm mạnh và tiếp tục gây khó cho doanh nghiệp, nếu không gấp rút có giải pháp tháo gỡ.
Doanh nghiệp chấp nhận lỗ hoặc bỏ thị trường EU
Sau khi EC áp dụng “thẻ vàng” với hải sản xuất khẩu của Việt Nam, từ cuối năm 2017 đến nay, Công ty TNHH Phillips Seafoods (Nha Trang), chuyên sản xuất các sản phẩm gia tăng từ ghẹ, đã không còn xuất khẩu sang EU, dù trước đó, thị trường này chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty.
Ông Đặng Thành Pha, Giám đốc thu mua Phillips Seafoods cho biết, hầu hết nguyên liệu của Công ty đều được mua từ các tàu nhỏ ở Kiên Giang. Khi tàu cập cảng không thuộc danh sách chỉ định để xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, do đó, không có giấy tờ liên quan.
Trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào EU đều vướng phải thủ tục thông quan, kéo theo gia tăng chi phí lô hàng.
Sau khi nhận “thẻ vàng” từ ngày 23/10/2017, kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU giảm 6,5% trong năm 2018 (còn gần 390 triệu USD) và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu năm năm 2019, với 251 triệu USD. EU cũng không còn là thị trường nhập khẩu hải sản lớn thứ 2 của Việt Nam, mà đã xuống vị trí thứ 5.
Ông Hồ Thanh Lĩnh, đại diện Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa) bày tỏ, kim ngạch xuất khẩu dù sụt giảm, nhưng đối với các doanh nghiệp, để đạt được những con số này, họ cũng phải bỏ ra rất nhiều chi phí. Trước kia, các lô hàng xuất sang châu Âu của Hải Vương đều được tự động thông quan, nhưng sau khi “thẻ vàng” xuất hiện, ở hầu hết thị trường thuộc EU, đặc biệt tại Italia và Tây Ban Nha, phải mất ít nhất 7 - 10 ngày. Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp phải bù thêm một số chi phí khác.
Còn với Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifishco), 80% lô hàng xuất khẩu vào EU trong 2 năm qua bị tạm dừng thông quan và chờ kiểm tra nguồn gốc khai thác.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Bidifishco chia sẻ, trước đây, EU chiếm khoảng 70% tỷ trọng xuất khẩu của Bidifishco với kim ngạch trung bình 40 triệu USD/năm, nhưng từ khi bị “thẻ vàng”, tỷ trọng này chỉ còn 40% và giá trị cao nhất chỉ được 30 triệu USD/năm. Bà Lan ước tính, chi phí phát sinh khi bị dừng thông quan chiếm 15 - 20% lô hàng, như vậy, lợi nhuận gần như không còn, thậm chí, một số lô hàng bị lỗ và Bidifishco dần mất thị trường EU.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 100% container hải sản xuất khẩu từ nước bị “thẻ vàng” sang EU đều bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, thời gian có thể kéo dài 3 - 4 tuần/container, phí kiểm tra nguồn gốc khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. Rủi ro nhất là tỷ lệ các container hàng bị từ chối, trả lại rất lớn, gây tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Khó giám sát hành trình tàu cá
Hai năm sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” với hải sản xuất khẩu của Việt Nam, Chính phủ cùng các bộ, ngành, hiệp hội… đã cùng thực hiện các chương trình hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên toàn quốc.
Dự kiến, tháng 11/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của EU (DG-MARE) sẽ sang Việt Nam đánh giá lại quá trình khắc phục khuyến nghị của EC về IUU. Đợt kiểm tra lần này là cơ sở để EC dỡ bỏ hoặc tiếp tục duy trì cảnh báo “thẻ vàng”, nhưng cũng có thể áp dụng biện pháp cảnh cáo “thẻ đỏ” với thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang khu vực EU.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, với mục tiêu không bị EU “phạt thẻ đỏ”, lấy lại thẻ xanh sớm nhất có thể và hướng đến phát triển bền vững ngành thủy, hải sản, đã có hàng loạt văn bản pháp luật được ban hành. Những văn bản này đều có sự tham khảo từ EC.
Chia sẻ về quá trình 2 năm thực hiện chương trình IUU, ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Tam Quan (Bình Định) cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay là kiểm tra, kiểm soát sản lượng từng loại hải sản được cập cảng và giám sát hành trình tàu cá.
Theo quy định, để được cấp giấy xác nhận, chủ tàu phải cung cấp nhật ký hành trình cũng như cập nhật vị trí tàu 2 giờ/lần với loại tàu có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên, nhưng trên thực tế, nhiều tàu không thực hiện quy định này. Việc lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình trên tàu còn nhiều trở ngại, không chỉ về hệ thống truyền tải dữ liệu, mà còn ở chi phí.
Đề cập những trở ngại, bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam nêu một thực tế, hiện các tàu có chiều dài trên 24 m trở lên đã lắp thiết bị hành trình Movimar, nhưng phải đến vài ngày sau, dữ liệu mới được chuyển về Trung tâm Thông tin thủy sản của Tổng cục Thủy sản để giám sát.
“Chúng tôi thể không trực tiếp giám sát được, vì thông tin phải qua Trung tâm. Chúng tôi đề nghị được nhanh chóng chia sẻ dữ liệu để địa phương thực hiện giám sát tọa độ tàu”, bà Tâm đề nghị.
Theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, tất cả tàu cá đăng ký trên địa bàn tỉnh có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát trên tàu. Sau quá trình thử nghiệm, Tổng cục Thủy sản công bố một thiết bị đạt chuẩn và phù hợp để lắp đặt theo dõi hành trình tàu của VNPT.
“Tuy nhiên, khi chúng tôi làm việc với VNPT, thiết bị này quá đắt, khoảng 30 - 32 triệu đồng/thiết bị, cộng với tiền bảo dưỡng 8 triệu đồng/năm. Điều này rất khó khăn, đặc biệt với ngư dân”, bà Tâm nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận