24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phượng Hồng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xuất khẩu gỗ tăng trưởng ấn tượng, nhưng liệu có bền vững?

Những năm gần đây, doanh nghiệp gỗ làm ăn khấm khá, phát triển tốt ở thị trường ngoài nước, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng. Thế nhưng, đi đôi với đó là rủi ro trong gian lận thương mại xuất hiện, xu hướng các vụ kiện ngày càng phức tạp và càng tăng.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 5,197 tỷ USD, tăng tới 56,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt tỷ 4,02 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, mặc dù giảm nhẹ so với tháng trước đó, nhưng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam trong tháng 4/2021 tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nâng kim ngạch xuất khẩu G&SPG đứng thứ 6 trong số các mặt hàng/nhóm hàng xuất lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng năm 2021.

Một số thị trường chủ lực như Hàn Quốc, Anh, Australia, Đức vẫn duy trì mở mức cao so với tháng trước đó. 4 tháng năm 2021, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 3,12 tỷ USD và cũng là thị trường đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong số các thị trường chủ lực, tăng tới 95,38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu G&SPG sang hầu hết các thị trường chủ lực đều tăng khá tốt: Trung Quốc tăng 17.06%; Anh tăng 26,49%; Canada tăng 58,27%; Australia tăng 48,11%...

Tăng trưởng ấn tượng nhưng chưa bền vững

Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, năm 2020 đánh dấu một năm thành công của ngành, với kim ngạch xuất khẩu tăng 16,3% so với năm 2019. Sự phát triển của ngành là kết quả của cá nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp, dư địa của thị trường xuất khẩu và hiệu quả trong việc kiểm soát dịch của Chính phủ.

Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) năm 2020 đạt 12,01 tỷ USD, tăng 16,3 % so với năm 2019. Vào các tháng nửa cuối 2020, giá trị xuất khẩu tăng mạnh, trung bình đạt trên 1,1 tỷ USD/tháng.

Xuất khẩu gỗ tăng trưởng ấn tượng, nhưng liệu có bền vững?
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam. Ảnh: Đỗ Hương/VGP

Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và EU là năm thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Kim ngạch từ 5 thị trường này đạt 10,78 tỷ USD, chiếm 89,7% về trị giá xuất khẩu G&SPG của Việt Nam trong năm.

Trong năm 2020 trong nhóm 5 thị trường chính nêu trên, Mỹ là thị trường duy nhất có sự tăng trưởng. Nói cách khác, tăng trưởng của ngành trong năm là do sự mở rộng tại thị trường Mỹ.

Trả lời phỏng vấn Nhadautu.vn, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, động lực thúc đẩy xuất khẩu gỗ tăng trưởng trong những năm gần đây phụ thuộc cả yếu tố khách quan và chủ quan. Yếu tố khách quan do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Mỹ áp thuế một số mặt hàng gỗ của Trung Quốc, khiến các đơn hàng dịch chuyển qua Việt Nam.

"Tất nhiên, yếu tố chủ quan là doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng hội tụ đầy đủ tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu của sự chuyển dịch, đặc biệt ngành sản xuất gỗ của Việt Nam đã có truyền thống và điều kiện hạ tầng, con người đáp ứng nhu cầu chất lượng và số lượng theo đơn đặt hàng", ông Lập nói.

Nhận định khó khăn ngành gỗ hiện nay, ông Lập cho hay, ngành gỗ vẫn đang đối mặt với các vụ kiện và gian lận thương mại. Xu hướng các vụ kiện ngày càng phức tạp và càng tăng.

Cụ thể, mặt hàng gỗ dán của Việt Nam đang bị phía Hoa Kỳ điều tra. Kết quả của điều tra này có thể sẽ có rất sớm. Chính phủ Hoa Kỳ cũng đang điều tra theo điều khoản 301 về cả ngành gỗ Việt Nam. Do vậy, nếu giải quyết được vấn đề này thì sẽ giúp cho các DN cạnh tranh công bằng và giảm thiểu tranh chấp thương mại.

Ông Đỗ Xuân Lập cũng kiến nghị Chính phủ cần thiết lập một Nhóm hành động để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng trốn xuất xứ, gian lận thương mại, đầu tư núp bóng. Nhóm hành động cần có đại diện của cơ quan Hải quan, Tổng cục Lâm nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam. Nhóm hành động chịu trách nhiệm xác định các công ty, mặt hàng có dấu hiệu rủi ro gian lận, từ đó kiến nghị các biện pháp xử lý.

Hiện tại, thị trường Hoa Kỳ đang chiếm trên 60% xuất khẩu của Việt Nam. Thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đang phát sinh nhiều tranh chấp thương mại. Ông Đỗ Xuân Lập khuyến nghị, trong sự tác động cũng như sự chuyển dịch của thế giới, hiện tại việc đa dạng thị trường và đa dạng phương thức bán hàng là rất cần thiết, đặc biệt chú trọng thương mại điện tử.

Ngành gỗ giữa tâm bão dịch COVID-19

Dự báo tăng trưởng xuất khẩu ngành gỗ trong năm 2021 và những năm tới, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đánh giá nhu cầu gỗ của thế giới vẫn sẽ tăng nhưng có sự đột biến.

"Hiện tại kim ngạch xuất khẩu gỗ năm nay và 5 năm tới chưa có thị trường nào thay thế đc các thị trường mới nổi như châu Âu, Balan. Năm 2021 chắc chắn ngành gỗ phải tăng trường 2 con số, kim ngạch xuất khẩu khoảng trên 15 tỷ USD", ông Lập cho hay.

Trong khi đó, trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Liêm, Giám đốc CTCP Lâm Việt (tỉnh Bình Dương) lại cho rằng, năm nay ngành gỗ sẽ khó khăn hơn. Một là, do dịch COVID-19 quay lại phức tạp hơn, kéo dài hơn, do đó tất cả nhà máy gỗ vừa sản xuất vừa lo dịch bệnh, tổ chức quản lý công nhân, giãn cách trong nhà máy… để đảm bảo được việc chống dịch.

Các DN gỗ Việt Nam đã đề nghị rất nhiều lần về việc mua vaccine để tiêm cho công nhân, thế nhưng nguồn cung vaccine đến nay vẫn chưa đủ, do đó chưa thể tiếp cận được với nguồn vaccine.

Hai là, do lạm phát toàn cầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành gỗ, bởi gỗ nhập khẩu tăng cao, bản thân thị trường nội địa gỗ nguyên liệu đã tăng giá 10-20%.

Ba là, các nhà sản xuất rất khó ký hợp đồng (book) container hoặc “book” với chi phí rất cao, tăng gấp 3-4 lần (1 container tăng lên khoảng 8.000-9.000 USD). Nhưng giá bán lại không thể tăng, hiện nay các nhà mua hàng rất điêu đứng do chi phí container từ Việt Nam sang hoa Kỳ và châu Âu tăng gấp mấy lần.

Bốn là, từ chi phí container cao dẫn đến hàng tồn kho nhiều, với mỗi nhà máy có khi lỗ đến 60-70 tỷ. Những đơn hàng gỗ phải chấp nhận hòa vốn, thậm chí lỗ.

"Về giá cả chi phí container tăng cao, nó là yếu tố tầm quốc tế rồi, bởi nguồn cung đứt gãy và thiếu vỏ container, một số công ty vận tải hàng hóa đường biển lợi dụng tình hình này kiếm lời. Rõ ràng, vấn đề này Chính phủ Việt Nam cũng không thể can thiệp được", ông Liêm nói.

Bên cạnh đó, ông Liêm cho rằng nguồn nguyên liệu đều tăng giá, từ nguyên liệu gỗ cho đến sơn, hóa dầu, sắt thép. Yếu tố này là do luật cung cầu của thị trường và cũng khó đề xuất thay đổi.

"Tuy nhiên, các ngân hàng cần nghiên cứu giảm lãi cho các DN gỗ, hoặc đối với những nhà máy gặp khó khăn thì ngân hàng gia hạn nợ cho DN đó", ông Liêm kiến nghị.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả