Xuất khẩu giày dép sẽ đạt 27,7 tỷ USD vào năm 2025
Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt 27,77 tỷ USD tương đương với 1.899 triệu đôi, tăng 48,2% về doanh thu và 45% về sản lượng so với năm 2020.
Tận dụng các FTA và thương chiến
Ông Nguyễn Hải Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Da-Giày Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt 27,7 tỷ USD, tương đương với 1.899 triệu đôi, tăng 48,2% về doanh thu và 45% về sản lượng so với năm 2020.
Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung đã và đang mang lại sự thay đổi rất mạnh tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho nhiều sản phẩm công nghiệp của Việt Nam trong đó có da giày.
Theo "Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 tầm nhìn 2030" và "Quy hoạch tổng thể phát triển ngành da - giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025", Chính phủ đã vạch ra mục tiêu, định hướng phát triển của ngành da - giày thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế, thúc đẩy tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội, nâng cao thu nhập cho người lao động và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
"Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có nhiều cơ hội để ngành da-giày bứt phá, mở rộng thị trường xuất khẩu. Trước hết, Việt Nam là nước đi sau nên có thể tận dụng cơ hội này để tiếp cận CMCN 4.0. Song song với đó, Việt nam có thể thay đổi mô thức quản lý, mô thức phát triển nền kinh tế và cơ hội bứt phá nhanh trong thời gian tới", ông Nguyễn Hải Trung phân tích.
Bên cạnh đó là hệ lụy của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các nước đang có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến các nước láng giềng. Đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng, tiếp nhận các nhà máy có công nghệ mới và có nhiều điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thị trường giày dép thế giới dự báo sẽ tăng trưởng tốt (đạt 371.8 tỷ USD vào năm 2020), Việt Nam đã và đang ký kết các FTA với các thị trường có tiềm năng lớn về giày dép, vì vậy có cơ hội cạnh tranh lớn về giá so với nhiều nước xuất khẩu chưa có FTA.
Ông Trung dự báo, trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, thị trường ASEAN cũng là thị trường gần gũi mà Việt Nam cần chú ý đặc biệt khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thực thi. Ngoài ra, Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ là những thị trường tiềm năng mới nổi cần được chú ý khai thác trong thời gian tới.
Hiện, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới trên 100 nước, trong đó 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. Có 5 thị trường dẫn đầu nhập khẩu giày dép của Việt Nam là: Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Bỉ.
Ngành da giày tiếp tục tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để gia tăng xuất khẩu.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho thấy, xuất khẩu giày dép của Việt Nam năm 2019 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, với giá trị xuất khẩu 22 tỷ USD, ( trong đó giày dép đạt 18,3 tỷ USD, túi xách đạt 3,7 tỷ USD), tăng 12,2% so với năm 2018.
Kết quả này vượt 500 triệu USD so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. Các doanh nghiệp da giày, túi xách đã tận dụng hiệu quả những thị trường mà Việt Nam tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) để xuất khẩu.
Điểm nổi bật trong hoạt động xuất khẩu của ngành da giày, túi xách năm 2019 là sự vươn lên của khối doanh nghiệp nội. So với 2 năm trước, tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đã có sự cải thiện, chiếm 24,2% tổng kim ngạch toàn ngành da giày, trong khi năm 2017 chỉ ở mức 20,7% và năm 2018 là 22,6%.
Còn ngay trong năm 2020, ngành da giày, túi xách đặt mục tiêu xuát khẩu 24 tỷ USD. Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), ông Nguyễn Đức Thuấn cho biết, với vị thế là quốc gia xuất khẩu giày dép lớn, liên tục đứng vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc), khả năng hoàn thành mục tiêu 24 tỷ USD là khả thi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận