Xuất khẩu giày dép sang EU tăng mạnh nhờ EVFTA
Bất chấp nhu cầu tiêu dùng chưa thực sự khởi sắc do ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng mạnh, kết quả này có được nhờ tác động tích cực từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) đã đi vào thực thi.
Đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ
Sau khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU đã hồi phục đáng kể, bất chấp tình hình dịch bệnh tại thị trường EU vẫn còn phức tạp. Số liệu từ Tổng Cục Hải quan cũng cho thấy, kể từ tháng 8/2020 đến tháng 3/2021 đã có 6 tháng xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU tăng (trừ tháng 2/2021 giảm do nghỉ Tết Nguyên Đán). Đáng nói, so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 xảy ra, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU tăng mạnh. Cụ thể, quý I/2021 đã tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong khi quý I/2020 chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước; quý I/2019 tăng 11,9%.
Về thị trường, giày dép Việt xuất khẩu sang các thị trường trong khối EU đều tăng, thậm chí một số thị trường tăng ở mức 2 con số, như: Bỉ tăng 37,0%, Hà Lan tăng 23,4%, Italia tăng 14,3%, Tây Ban Nha tăng 39,2%...
Kết quả khả quan trên là nhờ các doanh nghiệp sản xuất giày dép trong nước đã đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ và được hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Theo thống kế của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tính từ ngày 1/8/2020 đến ngày 31/12/2020, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU được cấp C/O mẫu EUR.1 là 1,37 tỷ USD. Con số này tăng nhanh trong quý I/2021 với 1,17 tỷ USD, đạt 98,98% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu.
Thực tế, so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác Việt Nam đã ký kết, tiêu chí xuất xứ trong EVFTA đối với sản phẩm giày dép (chương 64, ngoại trừ HS 64.06) được coi là chặt hơn khi không cho phép nhập khẩu ngoài khối mũ giày đã gắn với đế lót trong hoặc bộ phận đế khác để sản xuất ra sản phẩm. Đối với bộ phận giày dép (HS 64.06), EVFTA cho phép sử dụng nguyên liệu không xuất xứ từ nhóm HS khác với nhóm HS của sản phẩm.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân- Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, tiêu chí xuất xứ giày dép trong EVFTA dù khá chặt nhưng giống với tiêu chí xuất xứ trong GSP EU dành cho da giày Việt Nam nên doanh nghiệp đã quen và đáp ứng tốt.
Hơn nữa, lộ trình cắt giảm thuế quan của EU dành cho giày dép Việt Nam khá nhanh và sâu. 100% các dòng hàng giày dép được cắt giảm thuế quan về 0% với lộ trình tối đa 7 năm. Trong đó, một số mặt hàng cơ bản được cắt giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, một số mặt hàng khác có lộ trình cắt giảm dài hơn nhưng cũng chỉ từ 3-7 năm. Điều này đã giúp nhiều doanh nghiệp sản xuất giày dép Việt Nam được hưởng thuế 0% (có lợi hơn so với GSP) ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Vượt qua thách thức, xuất khẩu bền vững
Dù EVFTA cho phép Việt Nam nhập khẩu một số nguyên liệu ngoài khối để sản xuất giày dép mà vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ 1 thị trường là rủi ro lớn. Bài học thiếu nguyên phụ liệu cho sản xuất do tắc nghẽn nguồn cung từ thị trường Trung Quốc thời điểm đầu năm 2020 là hồi chuông cảnh báo cho các doanh nghiệp.
Do vậy, theo Cục Xuất nhập khẩu, để tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan trong EVFTA và xuất khẩu bền vững sang khối EU, về phía doanh nghiệp, cần tập trung phát triển cân bằng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Doanh nghiệp tham gia các hoạt động tập huấn chuyên sâu để hiểu rõ, hiểu đúng các quy định về quy tắc xuất xứ để tự tin áp dụng. Nắm bắt nhu cầu của từng thị trường trong từng tình hình cụ thể để phát triển và sản xuất các mặt hàng phù hợp.
Trong dài hạn, nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Do vậy, doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới hoạt động sản xuất theo hướng dịch chuyển từ gia công cắt may lên FOB (mua nguyên liệu- sản xuất- bán thành phẩm) và ODM (thiết kế- sản xuất- bán thành phẩm); đổi mới công nghệ, cắt giảm chi phí sản xuất, cải tiến mẫu mã, đa dạng thị trường; đào tạo đội ngũ nhân lực chuyên môn giỏi, sáng tạo có khả năng thích ứng với chuyển giao công nghệ.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu. EU đang thắt chặt các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kiểm soát nguồn nguyên liệu và các chất độc hại với môi trường sinh ra từ quá trình sản xuất. Do vậy, xây dựng hệ thống xử lý chất thải chuyên ngành chung hiện đại, bao gồm cả xử lý chất thải rắn, lỏng và thu phí các doanh nghiệp theo yêu cầu cũng là định hướng các địa phương quan tâm thúc đẩy.
Đối với hoạt động xuất khẩu, các cơ quan liên quan giảm chi phí và thời gian tham gia thị trường cho các nhà đầu tư, sản xuất; thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ logistics cho xuất khẩu hàng hoá nói chung và xuất khẩu da giày nói riêng; đơn giản hoá và hiện đại hoá hoạt động cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá.
Cùng đó, các cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các kênh phân phối trực tiếp tại EU; triển khai các hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến trong bối cảnh hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống không triển khai được do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận