24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Anh Hưng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm: Doanh nghiệp nói gì?

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm đáng kể trong vài năm trở lại đây

Trung Quốc từng là thị trường nhập khẩu gạo số 1 của Việt Nam nhưng nay thị phần giảm sút dù nhu cầu nhập khẩu của nước này vẫn lớn

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, năm 2023, do ảnh hưởng bởi hạn hán, sản lượng gạo sản xuất của Trung Quốc giảm hơn 3 triệu tấn so với năm 2022, còn khoảng 145,9 triệu tấn. Đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam, nhưng việc mở rộng thị phần sang thị trường này, theo các doanh nghiệp (DN) trong ngành là không hề dễ cũng như không mấy hấp dẫn.

Tăng, giảm thất thường

Theo thống kê của ngành hải quan, năm 2022, dù Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Philippines), chiếm hơn 12% thị phần nhưng sản lượng và kim ngạch đều giảm mạnh - 19,6% và 17,3% - so với năm 2021 khi đạt 850.949 tấn và 432,32 triệu USD.

Nhìn lại 6 năm qua, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc có nhiều biến động thất thường. Vào năm 2017, Trung Quốc từng chi hơn 1 tỉ USD để nhập khẩu gạo của Việt Nam, rồi bất ngờ sụt giảm mạnh trong 2 năm sau đó - năm 2019 kim ngạch xuống thấp kỷ lục, chỉ còn hơn 240 triệu USD. Giai đoạn 2020 - 2021 có sự phục hồi nhất định và đạt 522 triệu USD vào năm 2021, sau khi giảm trở lại từ năm 2022.

Còn theo thông tin của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2013, Việt Nam từng xuất khẩu đến 3 triệu tấn gạo sang Trung Quốc (kể cả đường tiểu ngạch), chiếm gần 50% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, góp phần tiêu thụ gạo hàng hóa cho nông dân Việt Nam khi đó. Tuy nhiên, những năm gần đây, Trung Quốc tăng nhập gạo từ các thị trường khác, giảm mua gạo Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), lý giải sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc những năm qua là do chính sách kiểm soát nhập khẩu bằng thuế, hạn ngạch cũng như các yêu cầu đối với DN xuất khẩu nên thị trường này không còn "dễ ăn" như trước. Theo đó, mỗi năm, Trung Quốc sẽ phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam và các nước. Do vậy, DN Trung Quốc không thể mua thêm gạo của Việt Nam khi hết hạn ngạch dù có nhu cầu. Về phía Việt Nam, hiện chỉ có 21 DN (trong khoảng 200 DN được phép xuất khẩu gạo - PV) được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu nên bị giới hạn về số lượng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang), cho biết cách đây khoảng 10 năm, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu gạo từ Việt Nam nhưng nay họ có thêm nguồn cung từ Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Pakistan… Tuy vậy, từ đầu năm đến nay, khách hàng Trung Quốc hỏi mua gạo Việt Nam rất nhiều, đó là một trong những lý do giúp thị trường gạo Việt Nam sôi động ngay từ đầu năm. "Kế hoạch của Tập đoàn Lộc Trời trong năm 2023 là tăng tỉ lệ gạo xuất khẩu sang Trung Quốc lên khoảng 30%. Nhược điểm của thị trường này là dù nhu cầu lớn nhưng đơn hàng không ổn định, khách hàng Trung Quốc có thể dừng mua bất cứ lúc nào nên DN rất khó trong việc tổ chức sản xuất, thu mua trong dài hạn" - ông Hiếu nhận xét.

Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cũng thừa nhận thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn về gạo nhưng không ổn định và không chấp nhận giá cao. Đầu năm 2023, Trung Quốc cần mua nhiều gạo ST24 nhưng chỉ chấp nhận giá 700 USD/tấn, sau giảm còn 685 USD/tấn; gạo ST21 từ 640 USD/tấn giảm còn 620 USD/tấn, chứ không phải giá nào cũng mua. "Có những thời điểm thị trường Trung Quốc thuận lợi, một số DN mới muốn tham gia xuất khẩu gạo nhưng thủ tục đăng ký kéo dài. Thực tế là Trung Quốc chỉ mới phê duyệt danh sách 1 đợt vào năm 2016 với 22 DN, sau đó có biến động trong nhóm DN này chứ không phê duyệt bổ sung. Có thể họ thấy bao nhiêu DN đó là đủ" - ông Nguyễn Văn Đôn bày tỏ.

Còn theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), từ đầu năm đến nay, thị trường Trung Quốc có nhiều thuận lợi cho các mặt hàng nông sản, trong đó có gạo. Thế nhưng, với mặt hàng gạo, cơ hội từ thị trường Trung Quốc không quá hấp dẫn vì họ vừa nhập khẩu nhiều nhưng cũng là nhà sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Hơn nữa, những năm qua, ngành gạo Việt Nam đã nỗ lực trong việc đa dạng hóa thị trường, khai thác nhiều thị trường mới để tránh phụ thuộc. "Phân khúc mà thị trường Trung Quốc cần nhiều nhất là gạo giá rẻ, gạo 100% tấm - không phải lợi thế của gạo Trung An. Chúng tôi chỉ xuất những đơn hàng gạo thơm, gạo chất lượng cao, nếp sang Trung Quốc nhưng sản lượng không nhiều. Những năm gần đây, Trung Quốc kiểm soát chặt nhập khẩu gạo, trên bao bì bắt buộc phải có tên nhà sản xuất - giúp tăng sự minh bạch cũng như trách nhiệm của DN xuất khẩu" - ông Bình bày tỏ.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đang thực hiện theo nghị định thư mà hai bên đã ký từ năm 2016. "Các DN có nhu cầu xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cần phải đăng ký qua Cục Bảo vệ thực vật để được hướng dẫn hồ sơ, thủ tục và phải qua quá trình kiểm tra từ phía Trung Quốc để được cấp phép xuất khẩu vào nước này" - đại diện Cục Bảo vệ thực vật thông tin.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả