Xuất khẩu gạo những tháng cuối năm: Chờ tín hiệu tích cực
Khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong chín tháng đạt 5,2 triệu tấn với 2,24 tỷ USD, tăng 5,9% về khối lượng nhưng giảm 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9/2019 đạt 586.000 tấn với giá trị đạt 251 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo chín tháng đạt 5,2 triệu tấn với 2,24 tỷ USD, tăng 5,9% về khối lượng nhưng giảm 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Philippines đứng đầu về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tám tháng với 36,1% thị phần, đạt 1,76 triệu tấn với 720,4 triệu USD, gấp 2,9 lần về khối lượng và gấp 2,6 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Australia tăng 75%, Bờ Biển Ngà 57%, Iraq gần 35%, Hong Kong (Trung Quốc) tăng gần 35%... Giá gạo xuất khẩu bình quân tám tháng năm 2019 đạt 435 USD/tấn, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng Chín, trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu Ấn Độ tăng nhờ đồng rupee hồi phục, đồng baht tăng trở lại giúp giá gạo Thái Lan ổn định ở mức cao trong gần một năm qua và đắt hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác ở châu Á, trong khi nhu cầu tiêu thụ ảm đạm giữ giá gạo Việt Nam ở mức thấp gần 12 năm.
Trong khi đó, nhu cầu vẫn hạn chế do thị trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi thương mại, suy thoái và đồng USD tăng giá làm hạn chế sức mua.
Gạo đồ 5% tấm Ấn Độ tăng từ 366-374 USD/tấn lên từ 373-379 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Thái Lan giảm từ 410-422 USD/tấn xuống còn từ 400-418 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Việt Nam giảm từ 325-330 USD/tấn xuống 325 USD/tấn.
Về chủng loại xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 47% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 39,8%; gạo nếp chiếm 7,2% và gạo japonica, gạo giống Nhật chiếm 5,7%.
Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Phillipines (52,2%), Cuba (13,1%) và Malaysia (12,9%).
Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo với khối lượng lớn, đứng thứ hai thế giới, góp phần vào an ninh lương thực quốc tế. (Ảnh: Đình Huệ)
Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Phillipines, Bờ Biển Ngà và Iraq. Về gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc chiếm tỷ trọng gần 52%.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa qua, Chính phủ Phillipines cho biết sẽ cân nhắc sử dụng đa dạng các biện pháp phi thuế, như yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh và kiểm dịch thực vật, để điều chỉnh hoạt động nhập khẩu gạo.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Phillipines cũng đang đề xuất áp thuế tự vệ đối với nhập khẩu gạo, dự kiến sẽ không thấp hơn 30%, do quy định trong Đạo luật Cộng hòa số 8800 của nước này có đề cập Philippines có thể áp thuế 30-80% đối với gạo nhập khẩu vượt quá 350.000 tấn.
Như vậy, gạo nhập khẩu vào Philippines ngoài việc phải chịu thuế quan 35%, trong trường hợp nước này đã nhập khẩu quá 350.000 tấn, mức thuế phải chịu thấp nhất sẽ là 65%. Điều này có thể trở thành một trong những nhân tố sẽ gây trở ngại cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo Việt Nam cũng có những tín hiệu tích cực từ thị trường khác. Điển hình Nhật Bản - quốc gia thường xuyên nhập khẩu 50% gạo từ Mỹ đang xem xét chuyển hướng sang nhập khẩu gạo từ các quốc gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); trong đó có Việt Nam.
Hay Singapore, quốc gia thường xuyên nhập khoảng 30-40% gạo từ Thái Lan, đang xem xét chiến lược đa dạng hóa nhập khẩu từ các nguồn khác. Do đó, trong thời gian tới, cơ hội tiếp cận thị trường gạo Singapore sẽ mở ra với các quốc gia trên, đặc biệt là Việt Nam và Campuchia, các quốc gia trong cùng khu vực Đông Nam Á, có lợi thế giao thương cùng với Singapore.
Trong nước, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua diễn biến không ổn định. Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, tại An Giang, lúa IR50404 giảm 300 đồng/kg xuống còn 4.000 đồng/kg, lúa OM 5451 tăng 100 đồng/kg lên 5.100 đồng/kg; lúa OM4218 ổn định ở mức 4.800 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 10.000-11.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao ở mức 13.000 đồng/kg.
Tại Vĩnh Long, lúa Thu Đông giảm 100 đồng/kg xuống còn 4.200 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 12.000 đồng/kg; gạo jasmine ở mức 14.000 đồng/kg./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận