Xuất khẩu gạo kiểu 'ăn ít nhai kỹ, no lâu' vì sợ 'gậy ông đập lưng ông'?
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần áp dụng phương châm xuất khẩu gạo “ăn ít nhai kỹ, no lâu”, nếu lúc này thừa thế xông lên là coi chừng “gậy ông đập lưng ông”.
Cần nhận định sát rủi ro của thị trường xuất khẩu
Tại hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo ngày 4/8, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu gạo của thành phố đạt 430,23 ngàn tấn, kim ngạch ước đạt 211,26 triệu USD, tăng 5,24% so với cùng kỳ.
TP. Cần Thơ có 40 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp, với tích lượng kho chứa 405.308 tấn thóc, 756.802 tấn gạo.
Những tháng đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn TP tập trung thực hiện các hợp đồng phải giao và ký kết thêm các hợp đồng mới, chủ yếu là gạo thơm vào các thị trường như Philippines, Cameroon, Bờ Biển Ngà và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo vị Phó Chủ tịch, Cần Thơ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, chưa sát với thực tiễn sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
Ngoài ra, phần lớn thương nhân đang khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn linh động. Trong khi giá lúa gạo những năm gần đây liên tục biến động, thậm chí nguồn cung trong nước tại một số thời điểm mất cân đối. “Hạn mức tín dụng thấp làm ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thu mua của thương nhân, nhất là vào thời điểm chính vụ”, ông Hồng cho hay.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, theo kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2023, cả nước gieo cấy trên 7 triệu ha, với sản lượng 43 triệu tấn thóc.
Sau khi cân đối lượng gạo tiêu thụ trong nước, số gạo còn lại, dù đẩy lượng xuất khẩu lên trên 7,5 triệu tấn, vẫn đảm bảo.
“Với những gì đã chuẩn bị, chúng ta hoàn toàn chủ động được việc đảm bảo an ninh lương thực cũng như xuất khẩu. Chúng ta hoàn toàn yên tâm là đảm bảo an ninh lương thực ở cái mức độ cao nhất" ông Cường khẳng định.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, từ nay đến cuối năm, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước còn rất lớn. Đây là cơ hội của Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này, song cũng cần nhận định sát những rủi ro của thị trường xuất khẩu.
“Ăn ít, nhai kỹ thì no lâu”
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, trong điều kiện bình thường, với sản lượng này, sau khi đã để tiêu dùng nội địa, chúng ta có thể xuất khẩu được từ 7,5-8 triệu tấn gạo, cao hơn 400.000 tấn so với năm trước.
Ông cho rằng, cần khẳng định đây là thời cơ để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo trong điều kiện cho phép nhằm mang lại giá trị và hiệu quả cao nhất cho người sản xuất, người kinh doanh; đồng thời, để chúng ta mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới”.
Bộ trưởng khuyến cáo, trong bối cảnh chung, trước những động thái của các nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ và Thái Lan, chúng ta phải rất thận trọng.
Diện tích trồng lúa vụ Thu Đông năm nay ở khu vực ĐBSCL đạt khoảng 700.000ha, sản lượng dự kiến cả năm đạt 43 triệu tấn thóc.
Bộ trưởng Công Thương khẳng định, xuất khẩu gạo vẫn phải tranh thủ thời cơ, song phải đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
"Chúng ta phải tính toán để làm sao vừa đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, mang lại hiệu quả cao nhất, nhưng vừa giữ được an ninh lương thực quốc gia. 100 triệu dân này mà để đói, để cho giá lương thực lên quá cao, trong khi đời sống, mặt bằng thu nhập của người dân không tăng trong bối cảnh kinh tế suy thoái như thế này là đều không thể chấp nhận được", ông Diên nói đồng thời cho rằng cần tính toán để áp dụng phương châm “ăn ít nhai kỹ thì no lâu”.
"Nếu lúc này thừa thế xông lên là coi chừng “gậy ông đập lưng ông. Nếu một quốc gia nổi tiếng xuất khẩu lúa gạo nhưng để lâm vào tình trạng thiếu gạo, giá gạo lên quá cao khiến đời sống người dân khổ là không thể chấp nhận được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Do đó, phải xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo với người sản xuất và giữa các thương nhân với nhau để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng và tránh tình trạng lật kèo, tranh mua, tranh bán, tranh thị trường, ép giá...
Cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu, đối với thương nhân xuất khẩu gạo, cùng với hệ thống dự trữ quốc gia, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam phải bảo đảm duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực quy định của Nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tôn trọng hợp đồng đã ký, tập trung khai khác hàng nguồn hàng, xây dựng, củng cố quảng bá thương hiệu và đàm phán ký kết các hợp đồng mới và truyền thống theo cơ chế phù hợp với tình hình. Chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu và tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng.
“Đặc biệt phải thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng, để tránh bị lừa đảo. Các doanh nghiệp cần phối hợp, liên hệ với cơ quan chức năng của Việt Nam trong và ngoài nước để tham khảo thông tin, tranh thủ sự hỗ trợ khi cần thiết”, Bộ trưởng Diên nói.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành để kịp thời cập nhật và truyền tải thông tin về tình hình cung cầu gạo, nhu cầu thị trường... Làm tốt công tác điều phối hoạt động của doanh nghiệp hội viên trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lương thực; chủ động phối hợp, tư vấn cho các địa phương trong quy hoạch vùng trồng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ NN-PTNT đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hỗ trợ tín dụng cho người trồng lúa và thương nhân sản xuất, xuất khẩu gạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận