Xuất khẩu gạo đã sôi động ngay từ đầu năm
Khác với thông lệ xuất khẩu gạo đầu năm ‘đủng đỉnh’, năm nay xuất khẩu gạo đã sôi động ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều cho biết đã ký được hợp đồng xuất khẩu với sản lượng lớn, thời gian giao gạo trong 6 tháng đầu năm.
Xuất khẩu tăng gần 50% so với cùng kỳ
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho hay công ty vừa ký kết được hợp đồng lớn xuất khẩu nhiều lô hàng gạo thơm tới thị trường châu Âu, Trung Đông.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cũng cho biết đã xuất khẩu hơn 4.500 tấn gạo trị giá hơn 3 triệu USD trong 2 tháng đầu năm nay. Trong đó gồm có gạo thơm, gạo trắng, gạo lứt và nếp xuất khẩu vào thị trường châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông và các quốc gia láng giềng châu Á. Nhằm đảm bảo nguồn cung trước dự báo nhu cầu xuất khẩu tăng, Tập đoàn Lộc Trời cũng vừa ký kết tiêu thụ 2 triệu tấn lúa (tương đương 1 triệu tấn gạo) cho các hợp tác xã nông nghiệp tại tỉnh An Giang. Ngoài ra doanh nghiệp này cũng đã liên kết với nông hộ cam kết tiêu thụ hàng trăm ngàn ha lúa cho nông dân tại địa phương này.
Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định xuất khẩu gạo nhiều khả năng tăng từ tháng 3 khi vụ đông xuân cho thu hoạch rộ.
Gạo Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng tốt nhờ tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện. Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Tân Long, Intimex, Trung An… tiếp tục được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2022, lượng gạo xuất khẩu đạt gần 1 triệu tấn, với kim ngạch đạt khoảng 467 triệu USD, tăng gần 50% về sản lượng, 30% về giá trị so với cùng kỳ. Philippines, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà là 3 thị trường xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam trong 2 tháng đầu năm.
Nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ lúa đông xuân. Ảnh TL
Xu hướng nhập khẩu gạo thay lúa mì
Theo nhận định thị trường của VFA, Nga và Ukraine là 2 quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn chiếm trên 30% sản lượng thương mại lúa mì thế giới.
Chiến sự xảy ra giữa 2 quốc gia này đã làm giá lúa mì tăng 50% trong tháng qua, kéo theo giá các loại ngũ cốc và nông phẩm khác tăng mạnh. Nếu tình hình chiến sự Ukraine kéo dài, nguồn cung lúa mì cho thị trường thế giới có thể giảm 30% tạo ra khủng hoảng lương thực, giá nông phẩm tăng cao thêm.
Để đề phòng giá lương thực tăng cao, và khủng hoảng lương thực có thể xảy ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã nhập khẩu lương thực dự trữ nhiều hơn và nhập khẩu gạo thay thế khoảng thiếu hụt của lúa mì, do vậy thị trường lúa gạo đã sôi động ngay từ đầu năm.
Cũng theo VFA, 2 tháng đầu năm nay, Philippines đã nhập khẩu hơn nửa triệu tấn gạo Việt Nam, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Như vậy, Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam suốt nhiều năm nay. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Philippines sẽ nhập khẩu 2,5 triệu tấn gạo trong năm 2022, đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam.Trong 2 tháng đầu năm nay thị trường này đã nhập khẩu gần 100.000 tấn gạo Việt Nam.
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ước tính sản lượng lúa của Trung Quốc tăng 0,5% nhưng vẫn phải nhập khẩu 4,5 triệu tấn gạo vào năm 2022, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước.
“Trước tình hình giá xăng, dầu leo thang, cước vận chuyển tăng phi mã thì việc xuất khẩu sang thị trường gần như Trung Quốc sẽ là lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam trong năm nay”, đại diện VFA phân tích.
Nhìn chung, trong 2 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu gạo sang đa số các thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa đưa ra dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2022 đạt 48,8 triệu tấn, tăng khoảng 100.000 tấn so với năm trước. Trong đó, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 có khả năng đạt 6,4 triệu tấn.
Mặc dù xuất khẩu gạo năm 2022 đã sôi động ngay từ đầu năm nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rất băn khoăn khi chi phí tăng nhanh hơn mức tăng của giá bán.
Giám đốc Công ty Gạo Việt, Nguyễn Thanh Long cho biết, nếu như cuối năm 2021, cước vận chuyển 1 container gạo sang cảng châu Âu chỉ khoảng 5.000USD thì nay đã tăng lên gần gấp đôi, chưa kể tình trạng thiếu container rỗng kéo dài từ giữa năm 2021 cho đến nay.
“Bên cạnh đó, với cho phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu tăng dựng đứng như hiện nay thì giá thành sản xuất đã thiết lập mức mới. Diễn biến giá cả khó lường, nếu doanh nghiệp vẫn ký hợp đồng theo giá cũ, giao hàng trong vài tháng tới thì rủi ro rất cao, đây là khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt”, ông Long nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận