menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nhật Anh

Xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ tăng cao nhưng vẫn canh cánh nỗi lo gian lận xuất xứ

Lần đầu tiên Việt Nam vượt mốc 10 tỉ đô la tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ. Và lần đầu tiên thị trường Mỹ nhập khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam chiếm đến 50% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên giá trị xuất khẩu sang thị trường này tăng cao cũng nảy sinh mối lo ngại về gian lận thương mại.

Mỹ chiếm 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu

Theo cơ quan hải quan, trong năm 2019 nhóm sản phẩm này của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu đến thị trường Mỹ với trị giá 5,33 tỉ đô la, tăng đến 36,9% so với năm 2018. Các thị trường nhập khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam cũng cao nhưng mức tăng không nhiều như thị trường Mỹ. Đơn cử như Nhật Bản trong năm qua nhập khẩu với giá trị lớn thứ 2 nhưng chỉ đạt 1,33 tỉ đô la (tăng 15,6%); hay Trung Quốc đạt 1,16 tỉ đô la, tăng 8,4% so với năm trước đó…

Hiện tại, đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Và với kết quả trên cho thấy, đến nay Mỹ là thị trường mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này lớn nhất của Việt Nam.

Đáng chú ý, năm 2019 đánh dấu mức tăng trưởng rất cao của nhóm mặt hàng này từ Việt Nam sang thị trường xứ cờ hoa. Đây cũng là lần đầu tiên thị trường Mỹ chiếm đến hơn phân nửa tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam (chiếm gần 50,047% tổng kim ngạch của năm 2019).

Bởi lẽ giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam sang Mỹ năm 2018 tăng 19,3% so với năm 2017 (đạt 3,9 tỉ đô la); năm 2017 tăng 15,7% so với năm 2016 (đạt 3,27 tỉ đô la); năm 2016 tăng 7% so với năm 2015 (đạt 2,83 tỉ đô la) và năm 2015 đạt 2,64 tỉ đô la, tăng 18,12% so với năm 2014.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) trong năm 2019, gỗ và các sản phẩm từ gỗ là nhóm sản phẩm có thặng dư thương mại lớn nhất trong các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam với mức thặng dư hơn 8 tỉ đô la, tăng tới 21,5% so với năm 2018.

Xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ tăng cao nhưng vẫn canh cánh nỗi lo gian lận xuất xứ
Giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam qua các năm. Ảnh: Hùng Lê (Nguồn: tổng hợp số liệu báo cáo các năm của Tổng cục Hải quan)

Lo gian lận thương mại

Theo phân tích của các chuyên gia, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cùng với việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA) đã góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam.

Và trong năm qua, Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu so với các nhà xuất khẩu gỗ từ các nước nhiệt đới khác như Indonesia, Malaysia hay một số nhà xuất khẩu khác do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, cũng từ đây dấy lên nhiều lo ngại về gian lận xuất xứ của các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này. Bởi lẽ theo các chuyên gia, việc Mỹ áp thuế 10 - 25% với sản phẩm gỗ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ khiến các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc hoặc các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc gần như không thể chịu nổi. Và để tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ, họ buộc phải chuyển dịch đầu tư sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, nhằm né thuế và lẩn tránh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thay vì làm ăn đàng hoàng.

Vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành chế biến gỗ có thật sự liên kết, và Nhà nước có quản lý được tình trạng “hồn Trương Ba, da hàng thịt” khi có một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ nhằm “núp bóng” nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đây là điều các chuyên gia quan ngại và cảnh báo.

Điều này có thể dẫn đến ngành gỗ đang phải đối mặt với những rủi ro về thị trường mà giới phân tích đã lên tiếng cảnh báo trước đó. Đó là trong bối cảnh mặt hàng gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và đến nay thuế suất nhập khẩu đã nâng lên từ 10% lên 25% đã và đang làm gia tăng nguy cơ gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, có khả năng tác động tiêu cực đến sản xuất, chế biến gỗ dán của Việt Nam.

Việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu những năm qua liên tiếp thiết lập kỷ lục mới cho thấy ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng “nóng". Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng đồng thời cũng dấy lên lo ngại rủi ro về gian lận thương mại. Các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp có diễn biến phức tạp cùng với cuộc chiến thương mại trên thế giới có chiều hướng kéo dài và khó lường sẽ tác động đến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam.

Và việc tăng xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Mỹ cũng đồng nghĩa với việc làm gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam. Điều đó sẽ khiến hàng hóa Việt Nam rơi vào tầm ngắm của việc kiểm tra của Mỹ, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu, gây tổn hại cho nền kinh tế Việt Nam.

Trên thực tế trong thời gian qua có một số doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam hoặc mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam cũng đã bị Mỹ hoặc thị trường châu Âu đưa vào tầm ngắm để áp thuế do nghi ngờ gian lận thương mại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả