Xuất khẩu điều sẽ tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm
Hiện các nước sản xuất điều lớn đã thu hoạch xong vụ mùa 2018/2019, giá điều đang ở mức thấp, cùng với lực đẩy từ Hiệp định EVFTA, nhiều dự báo cho rằng thị trường điều thế giới tăng mạnh trong 2 quý cuối năm.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2019, xuất khẩu hạt điều đạt 39,2 nghìn tấn, trị giá 275,61 triệu USD, tăng 21,4% về lượng nhưng giảm 6% về trị giá so với tháng 6/2018. Lũy kế, 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt điều đạt 195,7 nghìn tấn, với 1,489 tỷ USD, tăng 12,2% về lượng, nhưng giảm 12,1% về trị giá so với cùng kỳ 2018.
Giá xuất khẩu bình quân hạt điều giảm trong 6 tháng đầu năm
Sáu tháng đầu năm 2019, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt mức 7.613 USD/tấn, giảm 21,5% so với 6 tháng đầu năm 2018. Do giá xuất khẩu điều giảm mạnh đã kéo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành điều có mức giảm theo.
Hiện nay, 3 thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam là: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan, chiếm thị phần lần lượt là 32,3%, 14,1% và 9,5% tổng giá trị xuất khẩu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tại thị trường số 1 Hoa Kỳ, trong tháng 6/2019 xuất khẩu hạt điều đạt 13,2 nghìn tấn, với 89,7 triệu USD, tăng 5,4% về lượng, nhưng giảm 21,8% về trị giá so với tháng 6/2018.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt điều sang Hoa Kỳ đạt 63,7 nghìn tấn, trị giá 480,68 triệu USD, giảm 4% về lượng và giảm 25,7% về trị giá so với nửa đầu năm 2018.
Xuất khẩu điều 6 cuối năm sẽ tăng mạnh
Tháng 6/2019, xuất khẩu hạt điều sang thị trường lớn thứ hai Trung Quốc tăng tới 143,8% về lượng và tăng 104,2% về trị giá so với tháng 6/2018, đạt 6,6 nghìn tấn, trị giá 51 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu điều sang Trung Quốc tăng 53,2% về lượng và tăng 24,8% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2018, đạt 28,2 nghìn tấn, trị giá 221,47 triệu USD.
Theo ông Tạ Quang Huyên, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1, trong 6 tháng đầu năm giá nhập khẩu điều thô giảm đến 30% so với năm 2018, nên dù giá xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm nhưng doanh nghiệp vẫn lãi.
Cụ thể năm 2018 giá nhập khẩu điều thô 2.000 USD/tấn, nhưng năm nay giá nhập khẩu chỉ khoảng trên 1.300 USD/tấn.
Lý giải về nguyên nhân giá điều xuất khẩu sụt giảm, ông Huyên cho rằng, trong 6 tháng đầu năm do nhu cầu thị trường giảm, và do quy luật cung cầu khi giá đã lên cao thì phải xuống. Nhu cầu nhập khẩu điều năm 2018 giảm nhưng 6 tháng đầu năm 2019 khối lượng nhập khẩu điều tăng đến 12,2% so với cùng kỳ 2018. Do giá xuất khẩu giảm nên kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm cũng giảm 12,1%.
Giá xuất khẩu giảm đã đẩy nhu cầu tiêu thụ điều trên thị trường toàn cầu tăng lên, khối lượng điều xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong tháng 6/2019 tăng 7% so với tháng 5/2019.
“Trong các tháng đầu năm, nhằm giảm tồn kho và để "đẩy" doanh nghiệp Việt Nam vào thế đầu ra bị khó phải giảm giá bán, sau đó quay lại mua hàng vào. Đó là chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ”, ông Huyên chia sẻ.
Vẫn theo ông Huyên, 6 tháng cuối năm thị trường xuất khẩu sẽ tăng mạnh vì thông thường quý IV rơi vào dịp lễ, tết nên các thị trường sẽ tăng mua vào. Nhưng năm nay, từ quý III giá xuất khẩu điều đã tăng, đặc biệt, thị trường Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm đã tăng đến 53,2%, dự đoán cả năm thị trường này cũng tăng lên 60%.
Hạt óc chó và hạnh nhân là 2 sản phẩm cạnh tranh chính của hạt điều tại thị trường Trung Quốc, hiện nay 2 mặt hàng này đã bị tăng thuế nên giá bán rất đắt đỏ, đẩy sức tiêu thụ hạt điều tăng đột biến. Dự báo, trong năm 2019 Trung Quốc sẽ mua một khối lượng điều cực lớn từ Việt Nam.
“6 tháng đầu năm không phải là những tháng cao điểm tiêu thụ nhưng Trung Quốc đã tăng nhập khẩu đến 53,2%, trong khi tiêu thụ mạnh tại thị trường này là 6 tháng cuối năm. Do vậy, xuất khẩu điều trong năm 2019 chắc chắn rất tốt”, ông Huyên khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận