Xuất khẩu của Samsung sụt giảm đe dọa tới tăng trưởng GDP của Việt Nam?
Tăng trưởng xuất khẩu khu vực FDI trong 10 tháng đầu năm sụt giảm một cách đáng cảnh báo. Theo nhận định của Công ty Cổ phần chứng khoán SSI, sự sụt giảm tăng trưởng khối FDI, đặc biệt là Samsung sẽ đe doạ tới tăng trưởng của Việt Nam năm 2019 và cả năm 2020.
Với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 69% tổng xuất khẩu, khối FDI có vai trò chi phối và quyết định đến xuất khẩu của Việt nam. Tuy vậy tăng trưởng xuất khẩu của nhóm này đang chậm lại một cách đáng báo động, chỉ tăng 5% sau 9 tháng, thấp hơn nhiều khu vực trong nước tăng 16,2%. Nhiều mặt hàng chủ đạo của khối FDI có tăng trưởng thấp, cá biệt có trường hợp giảm âm.
Cụ thể, xuất khẩu Điện thoại đứng đầu về giá trị nhưng chỉ tăng 2% (cùng kỳ tăng 16%), xuất khẩu sản phẩm điện tử tăng 11,7% (cùng kỳ tăng 14,3%), xuất khẩu Dệt may tăng 8% (cùng kỳ tăng 15%).
Xuất khẩu máy móc thiết bị tăng rất thấp 1,9% (cùng kỳ tăng 29%) và máy ảnh, máy quay phim giảm 25% (cùng kỳ tăng 43%). Những khó khăn của các thương hiệu lớn như Samsung khi đánh mất thị phần cùng tác động của tăng trưởng toàn cầu chậm lại đã khiến xuất khẩu của khối FDI giảm sút.
SSI nhận định, xu hướng này có thể còn kéo dài và tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt nam trong năm 2020.
Tuy nhiên, SSI cũng cho rằng, dù bức tranh chung không mấy tích cực nhưng vẫn có một vài điểm sáng. Hai mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu cải thiện là Phụ tùng ô tô và Sản phẩm gỗ.
Cụ thể, xuất khẩu phụ tùng ô tô đạt 3,8 tỷ USD sau 9 tháng, tăng 13,7% (cùng kỳ tăng 9,7%), đứng thứ 6 trong top các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của khối FDI. Xuất khẩu Sản phẩm gỗ đạt 3 tỷ USD, tăng mạnh 18,4% (cùng kỳ tăng 5,7%), đứng thứ 7 về giá trị. Trong khi phụ tùng ô tô là một mặt hàng khá truyền thống và thường có tăng trưởng cao thì sự vươn lên của Sản phẩm gỗ là một tín hiệu mới.
Theo SSI, sản phẩm gỗ là một mặt hàng chịu thuế suất cao trong thương chiến Mỹ - Trung nên rất có thể đã có một làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất đồ gỗ sang Việt nam. Giá trị xuất khẩu Gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt nam sang Mỹ trong 9 tháng, bao gồm cả khối FDI và khối trong nước, đạt 3,65 tỷ USD, tăng mạnh 34% (cùng kỳ 2017 và 2018 chi tăng 19% và 15%).
SSI nhận định, những khó khăn về thị trường xuất khẩu trong năm 2019 và có thể cả năm 2020 sẽ kìm hãm tăng trưởng chung. Tuy vậy, đây lại là cơ hội để cơ cấu lại các ngành sản xuất, đa dạng hàng hóa xuất khẩu và đặc biệt là chủ đầu tư, cụ thể hóa chủ trương của Nghị quyết 50 về “đa phương hoá, đa dạng hoá đối tác, hình thức đầu tư”.
Thực tế cũng cho thấy những điểm nghẽn hạ tầng và sự tăng giá của các yếu tố đầu vào đang giảm bớt sức hút của Việt Nam với FDI. Giá thuê đất tăng, giá lao động tăng khi dòng vốn FDI đổ vào liên tục chắc chắn sẽ làm giảm độ hấp dẫn của Việt nam, vốn đang dựa nhiều vào câu chuyện “nhân công giá rẻ”. Tình tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa trên đường bộ và tại các bến cảng cũng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng. Đây là một nghịch lý khi mà giải ngân đầu tư công chậm chạp thì tình trạng tắc nghẽn giao thông lại diễn ra ngày một phổ biến.
Theo đó, để tiếp tục thu hút FDI thì sự thay đổi trong điều hành chính sách của Việt nam lại là yếu tố quyết định. Các hiệp định thương mại hay cơ hội từ thương chiến sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi những nút thắt về hạ tầng và nguồn nhân lực được tháo gỡ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận