Xuất khẩu của Đông Nam Á tăng vượt mức trước đại dịch Covid-19
Thái Lan, Việt Nam và 3 nền kinh tế lớn khác trong khối ASEAN đã báo cáo doanh số xuất khẩu trong tháng 6 này vượt con số vào cùng kỳ của năm 2019, theo ghi nhận của Nikkei Asian Review. Một trong những động lực lớn nhất của sự cải thiện này là nhu cầu tăng vọt đối với thiết bị bán dẫn được sản xuất ở các nước ASEAN.
Wong Siew Hai, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn Malaysia (MSIA), cho biết: “Nhu cầu bán dẫn toàn cầu vẫn còn mạnh mẽ. Chúng tôi đang nỗ lực đáp ứng hết mức có thể đơn mua của khách hàng”. Malaysia chiếm 7% thương mại bán dẫn trên toàn thế giới.
Ngay cả trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Covid-19, các đơn hàng sản phẩm bán dẫn vẫn chưa bao giờ giảm. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 mà chính phủ Malaysia đang triển khai không cho phép các nhà máy hoạt động tối đa công suất. Nhưng các thành viên của MSIA vẫn tăng cường giao hàng giữa lúc nhân lực bị hạn chế.
Hôm 28-7, Malaysia cho biết doanh số xuất khẩu của nước này đạt 105,4 tỉ ringgit (24,8 tỉ đô la) trong tháng 6, tăng 27% so với một năm trước đó. Theo báo cáo của Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia, nhu cầu mạnh mẽ đối với các vi mạch tích hợp được sử dụng trong điện thoại thông minh, ô tô và thiết bị gia dụng đóng góp lớn cho mức tăng trưởng này. Ngoài ra, doanh số xuất khẩu cao su và các sản phẩm xăng dầu cũng tăng gấp đôi so với năm ngoái. Doanh số xuất khẩu hàng hóa của Malaysia sang Mỹ và Trung Quốc đạt mức kỷ lục.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Thái Lan cũng tăng trưởng khởi sắc. Trong tháng 6, doanh số xuất khẩu ô tô và phụ tùng ô tô của Thái Lan tăng 79% so với một năm trước đó và mức tăng trưởng doanh số xuất khẩu máy tính và linh kiện máy tính là 22%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan tăng đến 44% trong tháng trước, đánh dấu tốc độ tăng nhanh nhất trong 11 năm qua. Xuất khẩu hàng hóa của Thái Lan sang Mỹ Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đều tăng hơn 40%. Đà phục hồi kinh tế của các đối tác thương mại này đã hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Thái Lan.
Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục cải thiện. Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 6-2021 ước tính đạt 26,5 tỉ đô la, tăng 1,2% so với tháng trước đó và tăng 17,3% so với cùng năm trước.
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29-7 cho thấy trong 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính đạt 185,33 tỉ đô la, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 48,52 tỉ đô la, tăng 14,6%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,81 tỉ đô la, tăng 29,9%, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu tăng trưởng ở hầu hết các thị trường lớn, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,6 tỉ đô la, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là Trung Quốc (28,7 tỉ đô la, tăng 24,2%, EU ( 22,5 tỉ đô la, tăng 15,5%), ASEAN (16,1 tỉ đô la, tăng 25,9%), Hàn Quốc (12 tỉ đô la, tăng 10,3%) và Nhật Bản ( 11,7 tỉ đô la, tăng 8,3%).
Các mặt hàng xuất khẩu của Đông Nam Á phải hứng chịu tổn thất lớn vào năm 2020 do đại dịch Covid-19 kìm hãm hoạt động kinh tế và số ca nhiễm bùng phát dữ dội ở các nền kinh tế phát triển. Nhưng bức tranh xuất khẩu của khu vực bắt đầu phục hồi kể từ đầu năm nay. Malaysia gây ấn tượng với doanh số xuất khẩu đạt mức kỷ lục xuất khẩu trong tháng 4.
Năm nay, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 7% và kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 8,1%, theo nhận định Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong một báo cáo công bố hôm 27-7. Tuy nhiên, gần đây, các làn sóng lây nhiễm Covid-19 tái bùng phát trong khu vực, có nguy cơ bóp nghẹt ngành sản xuất công nghiệp, đe dọa ngành xuất khẩu. Hôm 21-7, hãng xe Toyota thông báo tạm dừng sản xuất ở 3 nhà máy tại Thái Lan khi số ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này vượt qua con số 16.000.
Đã xuất hiện một số lo ngại về nguy cơ các nhà cung ứng lớn trong khu vực có thể bị buộc phải ngừng sản xuất, gây ra tác động lan tỏa trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Ann Wee Seng, Giám đốc điều hành Hiệp hội Ngành công nghiệp bán dẫn Singapore, nói: “Có một xu hướng đáng lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng ở khắp các nước láng giềng của Singapore. Đương nhiên, điều này tạo ra áp lực lớn hơn đối với cơn khan hiếm chip trên toàn cầu”.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới công bố hôm 27-7, IMF hạ dự báo tăng trưởng đối với 5 nền kinh tế hàng đầu của ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam 0,6 điểm phần trăm, xuống còn 4,3% do số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng trong khu vực, kìm hãm các hoạt động kinh tế. Đông Nam Á đang trở thành tâm điểm lây lan biến thể Delta trên toàn cầu, buộc các nước trong khu vực phải áp đặt các lệnh phong tỏa. Trong báo cáo mới đây, các nhà kinh tế của Công ty tư vấn Oxford Economics cho biết: “Chúng tôi dự báo các cơn bùng phát mới của dịch bệnh Covid-19 và việc tái áp đặt các hạn chế đi lại và kinh doanh sẽ làm trì hoãn đà phục hồi kinh tế, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á”. |
Theo Nikkei Asian Review
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận