Xuất khẩu cá tra vào các thị trường lớn bắt đầu hồi phục
Nhu cầu nhập khẩu cá tra ở những thị trường lớn đang có dấu hiệu phục hồi trở lại sau một thời gian dài trầm lắng. L ượng hàng được doanh nghiệp Việt Nam xuất bán hiện đã tăng hơn so với trước đó.
Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tính đến hết tháng 8 năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt trên 913 triệu đô la Mỹ, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn, như Trung Quốc - Hồng Kông, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đều ghi nhận sự sụt giảm đáng kể.
Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc- Hồng Kông, kim ngạch xuất khẩu sang đây đạt 295,8 triệu đô la Mỹ, giảm 24% so với cùng kỳ; sang Mỹ đạt 154,5 triệu đô la Mỹ, giảm 17,8%; sang EU (tính đến nửa đầu tháng 8-2020) đạt khoảng 86 triệu đô la Mỹ, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2019...
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang, xác nhận tình trạng xuất khẩu cá tra sang các thị trường sụt giảm liên tục trong những tháng đầu năm 2020. “Trong những tháng, từ tháng 2 đến tháng 7, các nhà máy thường chỉ xuất được khoảng 50% sản lượng của cùng kỳ năm 2019”, ông Văn dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo ông Văn, dù tình trạng sụt giảm về nhu cầu vẫn hiện hữu, vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng từ tháng 8 đến nay, thị trường xuất khẩu cá tra đã có dấu hiệu phục hồi trở lại ở các thị trường lớn, như Mỹ, EU và Trung Quốc.
Ông Văn cho rằng, trước thời điểm tháng 8 năm nay, đơn vị này xuất chỉ đạt khoảng 2.000 tấn/tháng, nhưng con số này đã tăng lên khoảng 2.500 tấn trong tháng 8 và tháng 9 đã đạt đến 3.000 tấn, dù con số này vẫn thấp hơn con số bình quân khoảng số 4.000 tấn/tháng của năm ngoái. “Trong những tháng tới, tình hình xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục khởi sắc”, ông Văn khẳng định.
Theo ông Văn, nếu doanh nghiệp đồng ý bán trả chậm, khách hàng nhập khẩu sẽ còn tăng hơn, nhưng phương thức thanh toán trả chậm tiềm ẩn nhiều rủi ro, cho nên, doanh nghiệp cũng phải thận trọng. “Bên phía khách hàng cũng khó khăn, cho nên, mình có thể gối đầu một vài container, chứ không thể xuất một lúc cả 10 container vì rủi ro rất lớn”, ông cho biết.
Theo ông Văn, doanh nghiệp xuất khẩu có thể “nhá” cho đối tác vài container, nhưng khách hàng muốn lấy sản phẩm tiếp, bắt buộc phải thanh toán tiền hàng trước đó khi sản phẩm vừa đến cảng. “Chúng tôi cũng nói thật để họ (đối tác nhập khẩu) thông cảm cho doanh nghiệp là mình (doanh nghiệp) đồng ý cho họ lấy hàng trước, nhưng ngược lại, muốn lấy nhiều thì phải thanh toán cho mình”, ông Văn cho biết và nói rằng, đối tác là khách hàng truyền thống nên cũng “nương nhau” mà sống.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đề nghị không nêu tên khi trao đổi với TBKTSG Online cũng xác nhận, hơn một tháng trở lại, đây tình hình xuất khẩu sang các thị trường đã khởi sắc trở lại. Tuy không tiết lộ cụ thể khối lượng hàng đã xuất, nhưng vị này cho biết, sức mua của thị trường gần đây tăng trở lại khoảng 15% so với những tháng trước đó.
Theo vị đại diện doanh nghiệp nêu trên, việc gia tăng nhập khẩu cá tra trở lại ở các nước, bên cạnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ổn định hơn (như trường hợp của Trung Quốc), thì nhu cầu tiêu dùng của người dân trong những tháng cuối năm thường tăng cao cũng là lý do khiến các nhà nhập khẩu gia tăng mua hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận