Xuất khẩu cá tra “sáng cửa” nửa cuối năm nay
Giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang tiếp tục duy trì đà phục hồi tích cực. Tính đến cuối tháng 4/2024, giá xuất khẩu cá tra trung bình dù vẫn thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng đã tăng 4% so với thời điểm cuối năm 2023.
Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, hoạt động xuất khẩu thuỷ sản của cả nước tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong tháng 5/2024 với tổng kim ngạch đạt 870 triệu USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 5 tháng đầu năm, luỹ kế kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đã cán mốc 3,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt từ mức nền thấp của cùng kỳ.
Đối với cá tra, theo dữ liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính đến tháng 4/2024, giá xuất khẩu cá tra tiếp tục có sự cải thiện, dù vẫn thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng đã tăng 4% so với thời điểm cuối năm 2023, đạt trung bình 2,21 USD/kg.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 270 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch đạt 587 triệu USD, nhích tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng tới 51% về sản lượng; sang khu vực Liên minh châu Âu (EU) tăng 2% về sản lượng; ngược lại, sang Trung Quốc giảm 5% về sản lượng.
Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá hoạt động xuất khẩu cá tra sẽ duy trì triển vọng tích cực trong nửa cuối năm nay với loạt yếu tố hỗ trợ nhu cầu phục hồi. Trong đó, lạm phát tại nhiều thị trường lớn, truyền thống của cá tra Việt Nam đang được kiểm soát tốt, tạo động lực cho hoạt động tiêu dùng, lĩnh vực nhà hàng phục hồi.
Đồng thời, triển vọng tăng trưởng của loạt nền kinh tế lớn đã được cải thiện. Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 4/2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng năm nay của Hoa Kỳ lên mức 2,7% và của EU lên mức 0,8%.
Đáng chú ý, việc Hoa Kỳ và EU tiếp tục siết chặt nhập khẩu thuỷ hải sản từ Nga đang mở ra cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu cá tra tại Trung Quốc kỳ vọng sẽ được cải thiện khi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của nước này “thẩm thấu”.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm và rà soát bán phá giá khả quan từ phía Hoa Kỳ.
Cụ thể, vào tháng 9/2023, kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đưa ra mức thuế sơ bộ giảm đáng kể.
Trước đó, vào tháng 8/2023, đợt thanh tra kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) đối với cá da trơn (cá tra, cá basa…) Việt Nam cũng đạt được những kết quả tích cực. Điều này không chỉ khẳng định uy tín chất lượng cá da trơn của Việt Nam mà còn tạo động lực cho hoạt động xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ.
Theo đánh giá mới đây của Bộ phận Nghiên cứu - Chứng khoán Tiên Phong Securities (TPS Research), ngoài việc nhu cầu phục hồi, động lực tăng giá cá tra xuất khẩu còn đến từ việc thiếu hụt nguồn cung cá nguyên liệu.
Giá cá nguyên liệu thấp trong thời gian vừa qua đã khiến các hộ nuôi cá trì hoãn thả giống trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, thời gian nuôi thường mất 6 - 8 tháng để cá đạt đủ trọng lượng thu hoạch (1,2 - 1,5 kg).
Ngoài ra, giai đoạn cuối năm là cao điểm tiêu thụ các loại thuỷ hải sản với loạt dịp lễ hội tại các nước phương Tây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận