menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Tiến Hoàng

Xuất khẩu Cà phê sang Pháp: Đa dạng chủng loại để đáp ứng thị hiếu

6 tháng đầu năm 2021, Pháp tăng nhập khẩu cà phê từ hầu hết các thị trường cung cấp chính, trong khi giảm nhập khẩu từ Việt Nam.

Thị phần cà phê tại thị trường Pháp giảm

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế cho biết, nhập khẩu cà phê của Pháp trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 206,7 nghìn tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng 8,0% về lượng và tăng 16,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Về chủng loại, Pháp tăng mạnh nhập khẩu chủng loại cà phê rang HS 090121 (không bao gồm cà phê đã khử caffein), mức tăng 37,3% về lượng và tăng 23,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 90 nghìn tấn, trị giá 1,128 tỷ USD. Ngược lại, Pháp giảm nhập khẩu cà phê HS 090111 (trừ cà phê rang xay và loại bỏ caffein), mức giảm 6,7% về lượng và giảm 2,7% về trị giá, đạt 110,84 nghìn tấn, trị giá 296,84 triệu USD.

Giá nhập khẩu bình quân cà phê 6 tháng đầu năm 2021 của Pháp đạt mức 7.341 USD/tấn, tăng 7,4% so với 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Pháp tăng từ nhiều thị trường chính, ngoại trừ Đức, Brazil, Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2021, Pháp tăng nhập khẩu cà phê từ hầu hết các thị trường cung cấp chính, ngoại trừ Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu cà phê của Pháp từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 12,93 nghìn tấn, trị giá 21,12 triệu USD, giảm 36,3% về lượng và giảm 39,0% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp giảm từ 10,6% trong 6 tháng đầu năm 2020 xuống 6,25% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Nguyên nhân là do Pháp có sự chuyển dịch về cơ cấu chủng loại, tăng nhập khẩu cà phê chế biến (HS 090121), giảm nhập khẩu dạng thô (HS 090111). Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê có mã HS 090111 sang Pháp, chiếm 99,69% tổng giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021.

Đẩy mạnh chế biến để gia tăng giá trị thị trường

Hiện, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới sau Brazil. Trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã tham gia ký kết, tất cả các thị trường đều mở cửa cho sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam với mức thuế ưu đãi từ 0-5%. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trong đó đã xóa bỏ thuế cho toàn bộ các sản phẩm cà phê xuống 0%. Đồng thời, trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi có chỉ dẫn địa lý về cà phê. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU trong đó có thị trường Pháp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đối với các sản phẩm như cà phê nhân xanh hoặc vỏ quả, vỏ lụa cà phê, thuế suất thuế nhập khẩu vào thị trường EU hiện tại là 0%, do vậy mặc dù được xếp vào danh mục A (giảm thuế về 0% ngay lập tức) song sản phẩm này sẽ không có thêm lợi thế về thuế. Sản phẩm được hưởng lợi theo EVFTA là cà phê chế biến. Trước EVFTA, mức thuế áp dụng với cà phê chế biến nằm trong biên độ 7,5 - 11,5%, do đó với việc các mặt hàng này được giảm thuế ngay về 0% sẽ là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt vẫn chưa “hưởng lợi” nhiều từ EVFTA bởi lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê thô, trong khi sản phẩm được giảm thuế là cà phê chế biến sâu.

Ngành cà phê Việt Nam trên thực tế đã có nhiều thay đổi trong những năm qua. Ngoài xuất khẩu cà phê nhân, Việt Nam đã đẩy mạnh khâu chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan. Hiện, tỷ trọng xuất khẩu cà phê rang xay, cà phê hòa tan của Việt Nam đã tăng lên mức 12% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, con số này còn hết sức khiêm tốn.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đưa ra con số so sánh tổng quát: Hiện nay, nông sản trong nước có 20-30% thông qua chế biến để xuất khẩu. Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) gần 80% nông sản qua chế biến mới bán ra thị trường.

Mức tiêu thụ cà phê bình quân của Pháp gần với mức trung bình của châu Âu là 5,41 kg/năm. Người Pháp ưa chuộng cà phê cao cấp, rất nhiều người có thói quen đến quán từ 3 - 4 lần/tuần. Dịch Covid-19 thay đổi thói quen tiêu dùng cà phê của người Pháp. Tỷ lệ người tiêu dùng mang đồ uống từ các quán cà phê về tăng từ 22% lên 34%. Pháp được coi là thị trường tiềm năng đối với các nhà xuất khẩu cà phê, đặc biệt là phân khúc cà phê cao cấp. Dự tính, thị trường cà phê cao cấp có thể tăng từ 2% trong số 300.000 tấn bán ở Pháp mỗi năm lên 10% thị phần vào năm 2025.

Do đó, để gia tăng giá trị xuất khẩu cà phê sang thị trường Pháp, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, ngành cà phê Việt Nam cần có sự chuyển dịch về cơ cấu chủng loại xuất khẩu, tăng xuất khẩu cà phê chế biến phù hợp với phân khúc cao cấp trên thị trường.

Theo ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam - tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng được xem là giải pháp chiến lược để thúc đẩy xuất khẩu cà phê cũng như phát triển bền vững ngành cà phê. Việc này cần sự "bắt tay" Nhà nước và doanh nghiệp kết nối mở rộng thị trường, cùng nghiên cứu khoa học công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả