24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Thế Kiên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xuất hiện yếu tố 'hâm nóng' bất động sản, xăng dầu vẫn khổ chuyện 'ngược đời'

Hai gói tín dụng rất lớn được xem là cứu cánh cho thị trường bất động sản; sửa đổi Nghị định 95, Nghị định 83 về quản lý kinh doanh xăng dầu như thế nào để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh... là những thông tin kinh tế nổi bật tuần qua. Dù không phải là vấn đề mới, song những diễn biến mới từ các cuộc họp này nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía doanh nghiệp, dư luận.

“Ánh sáng cuối đường hầm” của thị trường bất động sản

Hôm 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản”. Diễn ra trong bối cảnh số doanh nghiệp địa ốc phá sản tăng mạnh, hội nghị nhận được sự quan tâm rất lớn.

Có nên “cứu” và “cứu” cách gì… trở thành tâm điểm ở nhiều diễn đàn. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lên tiếng cho rằng điểm thắt của thị trường chủ yếu do nghẽn dòng tiền và vướng mắc pháp lý.

Xuất hiện yếu tố hâm nóng bất động sản, xăng dầu vẫn khổ chuyện ngược đời ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Khi kết luận hội nghị, Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp cần cơ cấu lại các phân khúc, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh có lãi nhưng hài hòa. Với chính quyền địa phương, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục.

Về vốn, tại hội nghị, Bộ Xây dựng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này. Theo các chuyên gia, nếu 2 gói tín dụng này sớm triển khai, doanh nghiệp, chủ đầu tư và người dân có nhu cầu thực sẽ có cơ hội tiếp cận và mua nhà giá rẻ. Có người ví việc tháo mở được nút thắt về vốn như “ánh sáng cuối đường hầm” với thị trường.

Doanh nghiệp xăng dầu đồng loạt kêu lỗ và nỗi lo “ngược”

"Càng thấy đông khách càng sợ" là nỗi lo "ngược đời", "phi thị trường", một chuyên gia đã bình luận như vậy khi nói về những bất cập của thị trường xăng dầu vừa qua.

Liên quan tới những nghịch lý của thị trường này, hôm 14/2, Bộ Công Thương đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) mở hội thảo góp ý cho Nghị định 95 và Nghị định 83 về quản lý kinh doanh xăng dầu.

Xuất hiện yếu tố hâm nóng bất động sản, xăng dầu vẫn khổ chuyện ngược đời ảnh 2

Theo đại diện VCCI, giải pháp bền vững đó là phải trả lại cơ chế vận hành của thị trường. Không để tình trạng doanh nghiệp 2 năm kêu lỗ vẫn phải bán.

Ý kiến của doanh nghiệp (DN), hiệp hội và chuyên gia được tiếp thu rộng rãi. Khoảng 300 DN kinh doanh xăng dầu từ 50 địa phương trên cả nước đã tham dự hội thảo. Đại diện cho DN bán lẻ xăng dầu cho biết, có giai đoạn, DN bán lẻ xăng dầu thua lỗ tới 900 tỷ đồng/tháng. Tính từ tháng 3/2022 đến nay ước số lỗ có thể lên đến 3.000 đến 4.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, cả nước có 9.000 DN bán lẻ, với tổng vốn đầu tư lên tới 90 nghìn tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần tổng tài sản của doanh nghiệp lớn nhất ngành xăng dầu. Cửa hàng bán lẻ sử dụng tới 27.000 lao động.

Ngã ngũ “cuộc chiến” vương quyền ở Tập đoàn Hòa Bình

Tuần qua, thông tin mới về “nối chiến” tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) gây chú ý. Cụ thể, HĐQT HBC đã ra nghị quyết chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh thành viên độc lập của ông Nguyễn Công Phú từ 13/2.

Nghị quyết này được ký bởi Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Viết Hải và công bố trên website của công ty. Trước khi ra quyết định rút khỏi Hội đồng quản trị, ông Phú và ông Hải từng xảy ra tranh chấp vị trí Chủ tịch công ty.

Xuất hiện yếu tố hâm nóng bất động sản, xăng dầu vẫn khổ chuyện ngược đời ảnh 3
Ông Lê Viết Hải (trái) và ông Nguyễn Công Phú.

Việt Nam gửi công hàm đề nghị Trung Quốc sớm mở tour du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây có văn bản đề nghị phía Trung Quốc sớm đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thí điểm đón khách du lịch Trung Quốc theo đoàn.

Theo nguồn tin của Tiền Phong, Bộ VHTTDL đã có giao thiệp ở nhiều cấp để đề nghị Trung Quốc sớm mở tour đoàn đến Việt Nam. Với chức năng nhiệm vụ được giao, Cục Hợp tác quốc tế đã trao đổi với Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, đề xuất sớm đưa Việt Nam vào danh sách các nước thí điểm đón khách Trung Quốc (sau khi nước này mở cửa từ 8/1/2023 - PV).

Việt Nam lần đầu tiên có mã chứng khoán đạt 1 triệu đồng/cổ phiếu

Cổ phiếu thị giá cao nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam – VNZ (CTCP VNG) lại lập thêm kỷ lục mới, tiếp tục tăng trần lên hơn 1 triệu đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 13/2. Sau một tiếng đồng hồ giao dịch đã có 5.800 cổ phiếu sang tay.

VNG cũng vừa có giải trình về việc cổ phiếu liên tục tăng trần. VNG cho rằng hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.

Theo đà tăng "nóng" của cổ phiếu, vốn hóa VNG tiếp tục leo lên ngưỡng 29.500 tỷ đồng, tương đương hơn 1,25 tỷ USD, gấp gần 4,3 lần thời điểm chào sàn. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh cao mà “kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Việt Nam từng chạm đến. Năm 2019, VNG đã được quỹ đầu tư Temasek định giá lên tới 2,2 tỷ USD (tương đương 1,8 triệu đồng/cổ phiếu).

Sau 10 phiên tăng trần liên tiếp, ngày 16/2, cổ phiếu VNZ lần đầu ghi nhận sắc đỏ, đà tăng đứt đoạn, dù vậy VNZ vẫn có giá cao nhất lịch sử chứng khoán trong nước (1,35 triệu đồng/cổ phiếu).

Thế Giới Di Động chấm dứt 'canh bạc' ở Campuchia

Thế Giới Di Động đang thanh lý hàng hóa để đóng cửa toàn bộ chuỗi cửa hàng điện thoại, điện máy Bluetronics ở Campuchia trong quý đầu năm nay.

Sau 6 năm hoạt động, Thế giới Di động đã quyết định ngừng kinh doanh ở Campuchia để tập trung vào những mô hình kinh doanh khác và những thị trường khác, ông Đoàn Văn Hiểu Em - người đứng đầu mảng bán lẻ điện máy, điện thoại của MWG chia sẻ trong buổi gặp nhà đầu tư giữa tháng này.

Xuất hiện yếu tố hâm nóng bất động sản, xăng dầu vẫn khổ chuyện ngược đời ảnh 4

Một cửa hàng của Thế giới Di động tại Campuchia.

Thế Giới Di Động tham gia thị trường Campuchia từ giữa năm 2017 khi mở cửa hàng điện thoại đầu tiên tại thủ đô Phnom Penh với tên gọi BigPhone. “Mang chuông đánh xứ người”, công ty từng kỳ vọng mỗi cửa hàng thuộc chuỗi này có doanh số 2 tỷ đồng/tháng.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý IV/2022 cho thấy, Thế giới Di động tại Campuchia cũng lỗ liên tục từ 2017 đến nay. Trong đó năm 2021 và 2022 lỗ lớn nhất với 187 tỷ đồng và 330 tỷ đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả