menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngô Hoàng

Xuất hiện virus lạ DIV1 ở tôm Trung Quốc cực nguy hiểm có ảnh hưởng tới người?

Hiện nay, đã phát hiện một số loài cảm nhiễm virus DIV1, bao gồm: tôm càng đỏ, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, tôm hùm đất hay tôm hùm nước ngọt, tôm càng sông hay tôm chà và tôm gai.

Một loại virus lạ DIV1 xuất hiện trên tôm tại Trung Quốc khiến nhiều người lo sợ sẽ ảnh hưởng đến tôm Việt Nam và gây nguy hại tới con người. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), virus này không lây sang người.

Liên quan đến loại virus lạ xuất hiện trên tôm tại Trung Quốc khiến nhiều người lo sợ sẽ lây lan ảnh hưởng đến thị trường tôm trong nước. Nhất là việc liệu virus lạ DIV1 trên tôm ở Trung Quốc có ảnh hưởng đến con người hay không? Theo Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), virus này không lây sang người, mà chỉ gây bệnh trên tôm, gây chết tôm. Virus không mang gen gây tả, tiêu chảy như vi khuẩn.

Còn theo TS Trương Đình Hoài, Bộ môn Môi trường và Bệnh Thủy sản (Học viện Nông nghiệp), tôm thường nấu chín khi ăn nên nếu có nhiễm virus thì virus cũng chết khi tôm đã nấu chín.

Theo TS Hoài, chưa có nghiên cứu virus trên tôm gây bệnh trên người. Hiện virus đã xuất hiện Trung Quốc và thiệt hại nặng cho ngành tôm nên Việt Nam đang chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm.

Cũng theo TS Hoài, virus này rất nguy hiểm cho tôm vì khi tôm mắc virus thì không thể điều trị được, virus sống trong tế bào nên muốn diệt virus thì phải diệt luôn con tôm. Hệ miễn dịch của tôm không có vắc xin tự tạo nên phòng bệnh virus ở tôm là rất khó. Quan trọng nhất là kiểm dịch, an toàn sinh học, cẩn thận trong việc lấy giống, kiểm tra có mầm bệnh không.

Cụ thể, về tôm giống bố mẹ, tính đến thời điểm 21/5/2020, Việt Nam đã nhập 104.479 con tôm giống (bao gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh) từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Israel, Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Singapore.Theo thông tin từ Cục Thú y, trong 5 tháng đầu năm 2020, Việt Nam không nhập khẩu tôm từ Trung Quốc. Việt Nam cũng đang chủ động ngăn chặn nguy cơ virus này xâm nhiễm vào nước ta.

Đối với tôm và sản phẩm tôm làm thực phẩm, Việt Nam đã nhập 264 tấn tôm làm nguyên liệu gia công xuất khẩu (bao gồm tôm đỏ argentina, tôm thẻ chân trắng, tôm trắng, tôm nước lạnh) từ các nước Argentina, Ecuador, Ấn Độ, Nhật, Malaysia, Ả rập, Iran và 291 tấn tôm làm thực phẩm tiêu thụ trong nước (như tôm thẻ đông lạnh, tôm sú đông lạnh, tôm tẩm bột, tôm tít, tôm mũ ni đông lạnh, tôm hùm) từ các nước: Úc, Pháp, Indonesia, Canada, Singapore, Hoa Kỳ, Philippinnes, Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay Việt Nam không nhập khẩu tôm từ Trung Quốc. Tuy nhiên không loại trừ khả năng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán tôm qua đường mòn, lối mở.

Trước đó, vào ngày 20/5, thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, theo Mạng lưới các Trung tâm nuôi trồng thủy sản vùng châu Á – Thái Bình Dương (NACA) loài virus mới có tên là Decapod iridescent virus 1 (DIV1) đã gây thiệt hại cho ngành nuôi tôm tại Trung Quốc trong những năm gần đây. Virus DIV1 được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2014 trên mẫu tôm càng đỏ tại tỉnh Phúc Kiến, tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Chiết Giang và tôm càng xanh tại một số tỉnh của Trung Quốc.

Tháng 2/2020, bệnh xuất hiện trở lại ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và đã gây ảnh hưởng cho khoảng 1/4 diện tích nuôi tôm ở tỉnh này. Virus lây nhiễm cho tôm ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng và đã được phát hiện gây bệnh trên một số loài tôm biển, tôm nước lợ và tôm nước ngọt.

Loài cua Cà ra và cua bờ sọc hay cua bờ cũng được ghi nhận bị nhiễm virus qua thực nghiệm (tiêm virus vào cơ) nhưng chưa được xác nhận là loài cảm nhiễm với virus.

Tôm sú hoang dã ngoài tự nhiên vùng biển Ấn Độ Dương cũng được báo cáo là dương tính với virus DIV1.

Trong thực tế, phân bố của virus DIV1 trên thế giới có thể rộng hơn nhiều do chưa được điều tra cụ thể. Về đường truyền lây chưa xác định được rõ, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết giun nhiều tơ (sử dụng làm thức ăn cho tôm bố mẹ, tôm hoang dã) cũng bị nhiễm virus DIV1 và là nguồn bệnh có khả năng làm lây truyền virus gây bệnh trên tôm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay, chưa có thông tin về bệnh do DIV1 xuất hiện ở Việt Nam, tuy nhiên, để chủ động phòng chống, ngăn chặn bệnh do DIV1 xâm nhập vào, Bộ đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn tươi sống cho thủy sản.

UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành liên quan tăng cường công tác phối hợp liên ngành, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển qua biên giới đối với tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn tươi sống cho thủy sản; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép. Các cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các địa điểm tập kết, thu gom tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn tươi sống cho thủy sản nhập lậu qua biên giới để vận chuyển đi tiêu thụ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại