"Xuất hiện nhiều tay chơi mới tham gia vào thị trường bất động sản giai đoạn gần đây"
Tại tọa đàm nhằm nhận diện thị trường bất động sản cuối năm 2024 và đầu năm 2025 do báo Người lao động tổ chức, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) chia sẻ: "Cuối năm 2023, đầu năm 2024, tôi đã dự báo rằng thị trường bất động sản sẽ "càng đi càng sáng", tức là dần dần trở nên khởi sắc hơn".
Tại thời điểm này, ông Lâm nhận thấy có 5 động lực quan trọng nhất đang thúc đẩy thị trường bất động sản.
Thứ nhất là về mặt chính sách, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều quy định pháp luật một cách rõ ràng và minh bạch hơn. Tuy nhiên, để những quy định này thực sự đi vào thực tiễn, chúng ta cần thêm thời gian. Đây là lúc chúng ta cần nhìn về tương lai để thấy những dấu hiệu tích cực hơn.
Thứ hai là động lực về cơ sở hạ tầng. Hiện nay, Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc triển khai các dự án hạ tầng nhằm tạo động lực cho sự phát triển của cả nước, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Sự phát triển hạ tầng đã hỗ trợ rất tốt cho thị trường bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp tại khu vực này. Phía Nam cũng đang dần trở nên sáng sủa hơn.
Thứ ba là động lực về nguồn vốn. Trong giai đoạn gần đây, đã có nhiều "tay chơi mới" tham gia vào thị trường bất động sản. Từ năm 2023 đến 2024, nguồn vốn mới đã đổ vào thị trường. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia đầu tư vào các dự án lớn tại TP.HCM và Bình Dương, thúc đẩy sự phát triển của cả thị trường.
Thứ tư là động lực về tín dụng. Chính phủ đã nỗ lực thúc đẩy sự ổn định tín dụng và lãi suất cho người mua nhà. "Tôi được biết nhiều ngân hàng sẵn sàng "chào" mức lãi suất cố định trong 3 năm chỉ 5%. Với mức lãi suất này, người mua nhà còn chần chừ gì mà không vay mua nhà?", ông Lâm nói.
Thứ năm là động lực về thanh khoản thị trường bất động sản. Đây là yếu tố rất quan trọng, góp phần kích thích hoạt động mua bán. Bất kể nói gì, tính thanh khoản của các sản phẩm bất động sản thứ cấp vẫn đang rất tích cực.
Cũng tại buổi tọa đàm, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam chia sẻ kỹ hơn về việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào các dự án lớn.
"Các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM là những đại đô thị với tiềm năng đầu tư rất hấp dẫn. Tuy nhiên, họ gặp khó khăn do vướng mắc về pháp lý và việc tiếp cận quỹ đất. Vì vậy, họ khó chen chân vào hai thị trường này, ngoại trừ trường hợp hợp tác với các doanh nghiệp trong nước.
Thị trường dành cho các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn nhưng cũng rất khó tiếp cận, ngoại trừ những dự án đã có từ lâu và đã hoàn thiện pháp lý 5-7 năm trước", TS. Khương nhận định.
Theo TS. Khương, đối với nhóm bất động sản tạo ra dòng tiền như văn phòng, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng và đặc biệt là khu công nghiệp, suất sinh lợi thường dao động từ 6-8%. Đây là những phân khúc mà các nhà đầu tư nước ngoài trước đây ưu tiên để tiếp cận nhanh vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã trở nên khó khăn hơn.
"Khẩu vị" của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam vẫn hướng vào lĩnh vực bất động sản nhà ở nhưng số lượng giao dịch rất hạn chế. Điển hình chỉ có một số ít nhà đầu tư như từ Malaysia sở hữu một vài dự án. Do đó, từ nay đến cuối năm, khó có thể kỳ vọng vào các thương vụ M&A mới.
Vị này chia sẻ thêm, một điểm sáng của thị trường là khu kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là các nhóm cảng biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng với các khu công nghiệp và hạ tầng cảng biển. Đây là khu vực rất thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Gần đây, sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế còn tập trung vào việc phát triển trung tâm dữ liệu, một phân khúc mà nhiều quốc gia đang nhắm đến khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản nhà ở đang chuyển dần sang phân khúc bất động sản hạ tầng và các tòa nhà văn phòng cho thuê.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận