Xuất hiện các “vua đất” thông qua loạt thương vụ M&A hàng trăm triệu USD
Thị trường BĐS Việt Nam vẫn sôi động với các giao dịch đất đai quy mô lớn đến từ các doanh nghiệp lớn như Vinhomes, Nam Long, Hưng Thịnh. Dự báo các cuộc thâu tóm này sẽ làm thay đổi thị trường BĐS hậu Covid-19.
M&A dự án lên tới hàng trăm triệu USD
Mặc dù Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều loại hình kinh doanh, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn sôi động với các giao dịch đất đai quy mô lớn. Quy mô giao dịch tính theo diện tích đất (hécta) đã tăng lên đáng kể.
Theo JLL nhận định, quỹ đất tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội ngày càng khan hiếm trong khi giá đất không ngừng tăng cao. Nhiều chủ đầu tư đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng và chuyển sang các điểm đến mới đầy tiềm năng như khu vực tỉnh vệ tinh, các vùng ven biển miền Trung, hay thậm chí là khu vực Tây Nguyên.
Đặc biệt, trong 2 năm qua, hàng loạt các giao dịch chuyển nhượng bất động sản trị giá hàng trăm triệu USD được “sang tay”.
Tại khu vực phía Bắc, đầu năm 2021, Vinhomes (HOSE: VHM), một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam, cả về số lượng căn hộ đã chào bán và quỹ đất hình thành trong tương lai, đã công bố việc công ty và các công ty con đã hoàn tất việc mua lại 99% cổ phần trong Công ty Đại An từ các đối tác tại Hưng Yên với tổng giá phí là 4.554 tỷ đồng, theo Báo cáo Thường niên Vinhomes 2020.
Trong khi đó, Tập đoàn Masterise (Masterise Group) thông qua các công ty con, công ty thành viên đã liên tiếp chi hàng ngàn tỷ đồng thâu tóm chuỗi dự án trong khuôn viên Vinhomes tại Tây Mỗ - Đại Mỗ và Gia Lâm, Long Biên tại Hà Nội. Masterise Group cũng hiện diện thương hiệu của mình tại dự án Premier Berriver 390 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên.
Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long cũng âm thầm mua lại 50% phần vốn góp của Posco E&C tại dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) tại phía Tây Hà Nội, tổng diện tích lên đến 264ha.
Tại khu vực phía Nam, Tập đoàn Nam Long hoàn tất thâu tóm dự án The Waterfront Đồng Nai (diện tích 170ha) từ Keppel Land. Nam Long đã bắt tay cùng Tập đoàn Hankyu Hanshin Properties (Nhật Bản) phát triển dự án The Waterfront Đồng Nai (tên gọi mới Izumi City), trong đó, Nam Long có 65,1% cổ phần và Hankyu Hanshin 34,9% cổ phần, tổng vốn đầu tư lên đến 18.600 tỷ đồng (803,5 triệu USD).
Tập đoàn Hưng Thịnh đã mua lại dự án Khu du lịch sinh thái và đô thị mới, quy mô 204ha tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, thông qua công ty con là Công ty cổ phần Địa ốc Sông Tiên.
Dù đã mạnh tay thâu tóm quỹ đất tại 04 dự án với quy mô lên đến 41ha trong giai đoạn 2019 - 2020, mới đây Tập đoàn An Gia tiếp tục đàm phán mua thêm 45ha đất tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương.
Thương vụ khác là Công ty cổ phần Địa Ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) đã nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 41% tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Long An IDICO để sở hữu quỹ đất 130ha tại Long An.
TTC Land còn hợp tác với Tổng công ty Tín Nghĩa để phát triển một dự án mới tại khu vực TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với tổng quy mô hơn 160ha.
Tại các thành phố ven biển miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn cũng đang dần trở nên sôi động với nhiều thương vụ lớn.
Đơn cử là Tập đoàn Danh Khôi đã mua lại tòa tháp ven sông tại Đà Nẵng có diện tích khoảng 0,3ha từ Công ty TNHH Đầu tư Sun Frontier. Trước đó, nhà phát triển này cũng đã thâu tóm hơn 11.000m2 đất tại khu dân cư Cồn Tân Lập tại Nha Trang từ Công ty cổ phần Sông Đà Nha Trang.
Theo JLL, các hoạt động mua bán bất động sản nhộn nhịp sẽ làm thay đổi thị trường nhà ở. Trong khi Vinhomes tiếp tục dẫn đầu thị trường với thị phần đáng kể, những chủ đầu tư khác như Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Nova (Novaland) và Nam Long sẽ có khả năng tăng thứ hạng rất nhanh với danh mục đầu tư ngày càng mở rộng.
3 yếu tố tác động
Trong báo cáo thường niên năm 2020 của nhiều chủ đầu tư danh tiếng như Novaland (HOSE: NVL), Phát Đạt (HOSE: PDR), Đất Xanh (HOSE: DXG), DIC Corp (HOSE: DIG) đã tuyên bố những chiến lược đầy tham vọng với việc tiếp tục tìm kiếm và thâu tóm các quỹ đất chuẩn bị cho tương lai. Như vậy, cuộc đua quỹ đất này thể hiện điều gì?
Qua quan sát của JLL cho thấy: Việt Nam có tầng lớp dân số trẻ, sinh sống chủ yếu trong các thành phố lớn với tốc độ đô thị hóa nhanh và cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Điều này sẽ thúc đẩy xu hướng phát triển nhà ở ra các tỉnh vệ tinh có kết nối thuận tiện với thành phố, như một dự án tích hợp quy mô lớn với đầy đủ tiện nghi bên trong nội khu hoặc là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần.
Thứ hai, các hoạt động mua bán bất động sản nhộn nhịp sẽ làm thay đổi thị trường nhà ở. Trong khi Vinhomes tiếp tục dẫn đầu thị trường với thị phần đáng kể, những chủ đầu tư khác như Novaland và Nam Long sẽ có khả năng tăng thứ hạng rất nhanh với danh mục đầu tư ngày càng mở rộng. Đa số các dự án được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín, có chiến lược phát triển bền vững, JLL dự báo giai đoạn phát triển tiếp theo của thị trường nhà ở sẽ có nhiều sản phẩm lượng tốt hơn phục vụ cho người dân.
Thứ ba, nhìn vào hiệu suất đầu tư cổ phiếu của một số nhà phát triển được đề cập ở trên. Các cổ phiếu đều vượt trội hơn so với chỉ số VN index, cho thấy triển vọng tích cực và khả năng tiếp cận các nguồn vốn mới.
Điển hình như thương vụ tập đoàn Dragon Capital mua lại khoảng 10% cổ phần của Bất động sản An Gia (HOSE: AGG). Trước đó, An Gia đã mạnh tay thâu tóm quỹ đất tại 4 dự án với quy mô lên đến 41ha trong giai đoạn 2019 - 2020 và đang tiếp tục đàm phán mua thêm 45ha tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Tương tự, tập đoàn Nam Long Group đã phát hành thành công cổ phiếu với giá 35.000 VNĐ/cổ phiếu, thấp hơn thị giá khoảng 35% cho nhiều quỹ đầu tư tên tuổi như Dragon Capital, Pyn Elite Fund, Kim Investment Fund.
Các chuyên gia của JLL bày tỏ, đối với một thị trường bất động sản đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam, việc tìm mua được quỹ đất tốt không chỉ dựa vào nguồn tài chính.
Chiến lược kinh doanh rõ ràng và bền vững, tầm nhìn dài hạn, năng lực phát triển, am hiểu thị trường sâu sắc và khả năng tiếp cận quỹ đất phù hợp là điều không thể thiếu đối với bất kỳ chủ đầu tư nào để thành công trong ngắn hạn và dài hạn.
Các mảng thị trường quan tâm
Khu công nghiệp là phân khúc bất động sản có sức hút lớn nhất hiện nay khi Việt Nam không ngừng phát triển dần trở thành trung tâm công nghiệp của Đông Nam Á. Với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực từ tháng 8/2020 và được thúc đẩy bởi nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư và nhà sản xuất đối với bất động sản công nghiệp.
Mặc dù lệnh ngưng các chuyến bay quốc tế trong thời điểm dịch đã có ảnh hưởng đến giao dịch mới do các nhà đầu tư nước ngoài không thể đến khảo sát dự án bất động sản, nhưng việc mở lại đường bay đến 6 quốc gia châu Á gần đây có thể giúp đẩy nhanh quá trình giao dịch. Bên cạnh các nhà đầu tư công nghiệp hiện hữu nổi tiếng như BWI, Logos, Mapletree, Boustead.., một số nhà đầu tư trong nước và gần đây nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản đang quan tâm đến phân khúc đầy tiềm năng này.
Ngoài ra, nhu cầu tìm kiếm các dự án phát triển công nghiệp với quy mô hàng trăm héc-ta để phát triển một khu công nghiệp tổng thể từ các nhà đầu tư quốc tế đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc tìm kiếm cơ hội có quy hoạch phù hợp và pháp lý sạch vẫn còn thách thức, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Cấp cao, Thị trường vốn Việt Nam JLL nhận định: “Bất động sản công nghiệp đang là phân khúc thu hút rất nhiều sự quan tâm nhưng việc thực hiện các thương vụ vẫn là thách thức đối với các nhà đầu tư. Tìm được quỹ đất lớn phù hợp để phát triển nhà kho và xưởng xây sẵn cho thuê tại vị trí chiến lược, cùng với việc tăng giá đất công nghiệp trong khi vẫn phải đảm bảo khoản đầu tư đạt lợi nhuận nhất định là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư, chưa kể đến sự cạnh tranh ngày một tăng từ các nhà đầu tư mới và hiện hữu”.
Bà Khanh cũng cho biết thêm, số lượng giao dịch M&A vào phân khúc nhà ở có phần chậm lại trong thời gian qua, chủ yếu là do tác động của Covid-19, các quá trình rà soát các dự án bất động sản kéo dài nhiều năm cùng với việc kiểm soát chất lượng tín dụng vào bất động sản.
Chuyên gia cũng cho hay, nhu cầu mua tài sản đang hoạt động vẫn còn cao đối với các nhà đầu tư cốt lõi (core investor) có chiến lược nắm giữ tài sản dài hạn cũng như am hiểu thị trường và cấu trúc giao dịch tại Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 chắc chắn có những ảnh hưởng nhất định đối với các doanh nghiệp bất động sản. Không như trong những năm đỉnh điểm, nhìn chung hiện nay sẽ có một số doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn về tính thanh khoản của thị trường. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ thận trọng hơn trong việc rót vốn. Mua bán và sáp nhập không phải là cách duy nhất để phát triển doanh nghiệp, vì có nhiều lựa chọn thay thế khác để khai thác các nguồn vốn lớn hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch để có thể sẵn sàng tham gia vào thị trường vốn đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức này./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận