Xu thế dòng tiền: Tạo đáy đã đủ tin cậy?
Thị trường sụt giảm mạnh trong tuần qua nhưng cuối cùng vẫn quay đầu phục hồi thành công tại mức 940 điểm. Các chuyên gia có dấu hiệu lạc quan hơn khi tăng giải ngân cổ phiếu.
Đánh giá về khả năng thị trường đã kết thúc nhịp điều chỉnh ở ngưỡng 940 điểm hay chưa, các chuyên gia vẫn không có quan điểm thống nhất rõ ràng. Quan điểm tích cực cho rằng ngưỡng 940 điểm có thể coi là đáy đủ an toàn của thị trường. Quan điểm thận trọng hơn cho rằng còn quá sớm để nói thị trường đã tới đáy, dù tại ngưỡng 940 điểm có thể hình thành nhịp phục hồi ngắn hạn.
Mặc dù vậy quan điểm giao dịch của các chuyên gia cũng khá tích cực. Quan điểm tích cực nhất đã gia tăng cổ phiếu trong tuần qua. Ngoài ra cũng có khuyến cáo nhà đầu tư có thể giải ngân tỷ trọng nhỏ vào các cổ phiếu vốn hóa trung bình, nhưng cũng sẵn sàng thoát ra khi thị trường đi ngược kỳ vọng.
Đối với các thông tin hỗ trợ trong tháng 6, các chuyên gia khá thống nhất cho rằng thị trường có thể hưởng lợi từ sàn phẩm Covered Warrants khi các công ty chứng khoán phải "xây kho" đối với nhóm cổ phiếu cơ sở. Tuy vậy, tác động có thể sẽ không quá rõ rệt vì các công ty đã lường trước vấn đề này.
Với kỳ vọng thị trường sẽ được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực trong nửa cuối tháng 6, tôi cho rằng vùng điểm 940 này là đủ an toàn để được coi là đáy của nhịp điều chỉnh từ mức trên 990 điểm đã kéo dài từ 21/5 cho tới nay. Tuy nhiên, nhận định trên là dựa trên kịch bản thị trường không chịu tác động tiêu cực bất thường có thể kích hoạt trạng thái bán tháo hoảng loạn.
Thị trường đã rơi về đáy cũ gần 940 điểm như dự kiến của anh chị trong tuần trước. Mức giảm lớn nhất tập trung vào ngày đầu tuần và sau đó thị trường ổn định lại. Theo đánh giá về mặt kỹ thuật, liệu ngưỡng 940 điểm có đủ "cứng" để thị trường tạo đáy, hay có nguy cơ điều chỉnh sâu hơn?
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
VN-Index có biến động mạnh trong phiên ngày 5/6 của tuần qua, chỉ số giảm mạnh xuống vùng đáy cũ 940 điểm nhưng lực cầu bắt đáy gia tăng đã khiến thị trường phục hồi nhanh. Kết phiên, chỉ số vẫn giảm điểm nhưng mức giảm được thu hẹp đáng kể và hình thành nến Hammer tại mức hỗ trợ 940 điểm. Chỉ báo kỹ thuật MACD vẫn đang suy giảm, RSI lưỡng lự gần mức đáy cũ.
Điều này cho thấy xu hướng của VN-Index vẫn đang tiêu cực nhưng có dấu hiệu thúc đẩy hình thành nhịp hồi phục kỹ thuật ngắn hạn.
Tôi cho rằng các tín hiệu kỹ thuật của VN-Index có thể rơi vào một giai đoạn bị "nhiễu", kéo dài từ 957 điểm (MA200) lên khoảng ngưỡng 970 điểm (MA50). Ở trong vùng này sẽ có một số ngưỡng cản tại 961 điểm (MA10, MA100) và 967 điểm (MA20) có thể tạo ra những nhịp rung lắc. Thị trường trong tuần tới nhiều khả năng sẽ dao động tại vùng này.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường - Chứng khoán Vietinbank
Về mặt kỹ thuật, đồ thị giá của VN-Index đã gần chạm ngưỡng hỗ trợ dài hạn 937 - 938 điểm của đường SMA 200 trong bối cảnh thị trường đã ở trong vùng quá bán và nhiều cổ phiếu đã bị điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn.
Do đó, áp lực bán sẽ không còn đủ lớn để có thể tạo ra một áp lực nào đáng kể có thể khiến cho VN-Index phải giảm sâu nữa. Điều này đã thể hiện khá rõ trong tuần giao dịch vừa qua với thanh khoản liên tục duy trì ở mức khá thấp, dòng tiền đứng ngoài không mặn mà tham gia thị trường khiến cho động lực bán cũng nguội dần đi.
Với kỳ vọng thị trường sẽ được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực trong nửa cuối tháng 6, tôi cho rằng vùng điểm 940 này là đủ an toàn để được coi là đáy của nhịp điều chỉnh từ mức trên 990 điểm đã kéo dài từ 21/5 cho tới nay.
Tuy nhiên, nhận định trên là dựa trên kịch bản thị trường không chịu tác động tiêu cực bất thường có thể kích hoạt trạng thái bán tháo hoảng loạn.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Dưới góc độ kỹ thuật, tôi cho rằng vùng hỗ trợ 930-940 điểm sẽ là bệ đỡ đủ mạnh để giúp thị trường hình thành nhịp hồi phục ngắn hạn. Mặc dù vậy, đây chỉ được xem là một nhịp hồi ngắn trong một xu hướng giảm trung hạn.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
VN-Index ghi nhận tuần giảm điểm nhẹ sau những diễn biến rung lắc mạnh trong tuần với thanh khoản giao dịch giảm nhẹ so với tuần trước. Thị trường mở cửa tuần phiên thứ hai (3/6) trong trạng thái khá bi quan và chìm sâu trong sắc đỏ do lực bán tháo áp đảo so với lực cầu thưa thớt trước quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang đi kèm ảnh hưởng tâm lý từ sự lao dốc của giá dầu thô thế giới.
Áp lực bán dồn nhiều vào các mã vốn hóa lớn như VHM, VNM, HPG… và nhóm dầu khí (GAS, PVD) đã đẩy chỉ số chung giao dịch trong vùng 940-950 điểm trong 3/5 phiên của tuần. Tuy nhiên điểm nhấn trong tuần chỉ thực sự xuất hiện vào phiên thứ sáu (7/6) sau diễn biến lạc quan hơn từ các chỉ số chứng khoán lớn trong khu vực và trên thế giới trước thông tin FED có thể quyết định hạ lãi suất trong cuộc họp cuối tháng 6.
Lực cầu bắt đáy xuất hiện kịp thời trong phiên cuối tuần đã giúp chỉ số chung ghi nhận một phiên hồi phục khá mạnh với mức tăng hơn 10 điểm, đồng thời giúp VN Index kết tuần thu hẹp đáng kể đà giảm. Thanh khoản giao dịch tuần này giảm nhẹ với khoảng 538 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong tuần. Đóng cửa tuần giao dịch, VN-Index giảm 1,60 điểm (-0,17%) về mức 958,28 điểm, còn HNX Index giảm 0,14 điểm (-0,13%) về mức 104,21 điểm
VN-Index điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ 940 và bật tăng trở lại như dự đoán. Đây là ngưỡng hỗ trợ mềm được hình thành hồi đầu tháng 5/2019. Ngưỡng hỗ trợ cứng phải là 860-885. Do đó còn quá sớm để nói rằng thị trường đã tạo đáy và đi lên.
Việc các công ty chứng khoán cần tích lũy cổ phiếu để phòng ngừa rủi ro là bắt buộc. Tuy nhiên tôi cho rằng các công ty chứng khoán đều đã chuẩn bị từ lâu trước khi tham gia vào thị trường CW do vậy việc này nhiều khả năng không có nhiều tác động đến thị trường.
Cuối tháng 6 này sản phẩm Covered Warrant sẽ ra mắt. Đang có những kỳ vọng rằng sản phẩm mới này sẽ tạo lực đỡ hỗ trợ một số cổ phiếu được chọn. Theo anh chị liệu việc các công ty chứng khoán phát hành CW phải tích lũy trước cổ phiếu cũng như phải mua phòng vệ khi giá cổ phiếu tăng có tác động tích cực đến thị trường?
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Sản phẩm chứng quyền có đảm bảo dự kiến sẽ triển khai trong tháng 6 được kỳ vọng sẽ tạo thêm công cụ cho các nhà đầu tư trên thị trường, qua đó có thể giúp thị trường diễn biến sôi động hơn trong thời gian tới.
Còn với tác động của CW đến thị trường dưới góc độ các nhà phát hành phải mua tích lũy cổ phiếu và để phòng vệ khi giá cổ phiếu tăng thì tôi cho rằng sẽ không tạo ra tác động mang tính đột biến đối với xu hướng chung của thị trường.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường - Chứng khoán Vietinbank
Tôi cho rằng hoạt động "xây kho" của các công ty chứng khoán đủ điều kiện để phát hành chứng quyền sẽ có một số tác động tích cực đến các cổ phiếu được chọn và qua đó gián tiếp tác động tích cực vào thị trường.
Hầu hết các cổ phiếu được chọn phát hành chứng quyền đều là các cổ phiếu vốn hóa lớn, cơ bản tốt, có mức ảnh hưởng khá đáng kể tới rổ chỉ số VN30 và lại đang ở vùng giá khá hấp dẫn nên đây là thời điểm khá hợp lý để đẩy mạnh hoạt động tích lũy các cổ phiếu này.
Điều này sẽ tạo động lực đẩy giá cổ phiếu lên hoặc làm chỗ dựa hỗ trợ cho các cổ phiếu trên, qua đó lại càng dễ dàng thu hút thêm dòng tiền từ các nhà đầu tư khác đổ vào thị trường, giúp cải thiện thanh khoản (thứ mà thị trường hiện đang yếu) và góp phần giúp chỉ số VN-Index sớm quay trở lại đường đua.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Thị trường CW theo kế hoạch sẽ vận hành từ ngày 28/6/2019. Theo đó, một số công ty chứng khoán sẽ bắt đầu chào bán CW lần đầu ra công chúng (IPO).
Theo công bố của HoSE, hiện có 26 mã cổ phiếu đủ điều kiện làm chứng khoán cơ sở cho sản phẩm CW, bao gồm CII, CTD, DHG, DPM, EIB, FPT, GMD, HDB, HPG, MBB, MSN, MWG, NVL, PNJ, REE, ROS, SBT, SSI, STB, TCB, VHM, VIC, VJC, VNM, VPB và VRE.
Việc các công ty chứng khoán cần tích lũy cổ phiếu để phòng ngừa rủi ro là bắt buộc. Tuy nhiên tôi cho rằng các công ty chứng khoán đều đã sự chuẩn bị từ lâu trước khi tham gia vào thị trường CW do vậy việc này nhiều khả năng không có nhiều tác động đến thị trường.
CW có thể giúp thị trường diễn biến sôi động hơn trong thời gian tới. Còn với tác động của CW đến thị trường dưới góc độ các nhà phát hành phải mua tích lũy cổ phiếu và để phòng vệ khi giá cổ phiếu tăng thì tôi cho rằng sẽ không tạo ra tác động mang tính đột biến đối với xu hướng chung của thị trường.
Cuối tháng 6 cũng là thời điểm quan trọng diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 mà điều quan trọng hơn là liệu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có được giải quyết tại đây hay không. Theo anh chị trong ngắn hạn 2 tuần nữa, liệu thị trường có thể phản ứng thế nào với kỳ vọng này?
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Tổng thống Mỹ cho biết ông có kế hoạch tiến hành hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 giữa Nhóm các nền kinh tế mới nổi và hàng đầu thế giới, diễn ra từ ngày 28-29/6 tới. Dự kiến tại thời điểm đó Mỹ mới quyết định liệu có áp đặt các mức thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ USD từ Trung Quốc hay không.
Trước đó hồi đầu tháng 5 đàm phán thương mại giữa hai cường quốc đổ vỡ và lệnh áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn cảnh báo áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 325 tỷ USD.
Căng thẳng thương mại vẫn leo thang và chưa có hồi kết. Thị trường chứng khoán diễn biến khó đoán định, lên xuống theo từng tuyên bố của ông chủ nhà Trắng. Tâm lý lo ngại giải ngân khi thị trường bất ổn và do đó khó có thể kỳ vọng vào sự vận động tích cực trong ngắn hạn.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Hai tuần tới là khoảng thời gian thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin và các hoạt động quan trọng như hội nghị thượng đỉnh G20, tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung, MSCI công bố kết quả nâng hạng thị trường hay các quỹ ETFs thực hiện tái cơ cấu danh mục quý 2, các quỹ thực hiện chốt NAV…
Trên cơ sở đó, cá nhân tôi hiện thiên về khả năng thị trường sẽ bước vào trạng thái biến động giằng co với các nhịp tăng, giảm đan xen trong giai đoạn này.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra hết sức căng thẳng, việc các thông tin về việc dừng áp thuế của chính phủ Mĩ mang lại những tín hiệu rất tích cực đối với thị trường chứng khoán và tâm lý của nhà đầu tư.
Tuy nhiên việc không đạt được thỏa thuận cũng sẽ mang tới những ảnh hưởng hết sức tiêu cực. Do vậy tôi cho rằng nhà đầu tư nên hết sức cẩn trọng trong giai đoạn hiện tại của thị trường để tránh những tác động xấu từ nền kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh thị trường Việt Nam đang yếu, dòng tiền vẫn đang có xu hường đứng ngoài chưa tham gia thị trường.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường - Chứng khoán Vietinbank
Theo đánh giá của tôi thì thị trường sẽ không có quá nhiều phản ứng tiêu cực trước sự kiện này do hầu hết mọi người đều đã biết rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung sẽ rất không dễ dàng để có thể đi đến một đại kết cục do nguyên nhân sâu xa không phải là về vấn đề thâm hụt thương mại mà Mỹ vẫn hay coi đây là lý do.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi khá lớn từ xung đột này nên tôi cho rằng trong kịch bản xấu nhất sẽ có một số điều chỉnh từ nhẹ tới trung bình và sau đó sẽ nhanh chóng quay trở lại xu hướng tăng điểm dài hạn như những lần trước đây.
Căng thẳng thương mại vẫn leo thang và chưa có hồi kết. Thị trường chứng khoán diễn biến khó đoán định, lên xuống theo từng tuyên bố của ông chủ nhà Trắng. Tâm lý lo ngại giải ngân khi thị trường bất ổn và do đó khó có thể kỳ vọng vào sự vận động tích cực trong ngắn hạn.
Lực cầu bắt đáy khá mạnh đã giúp thị trường chống đỡ không thủng mức 940 điểm. Anh chị có tham gia bắt đáy tuần qua không? Tỷ trọng cổ phiếu hiện đã tăng lên hay chưa?
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Danh mục đầu tư ngắn hạn của tôi ở mức 25% cổ phiếu và 75% tiền mặt. Trong tuần qua tôi ưu tiên việc hạ tỉ trọng cổ phiếu và chờ thị trường có xu hướng rõ ràng hơn để có cơ hội giải ngân mới.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank
Tôi đã tham gia giải ngân thêm 30% giá trị danh mục của mình trong tuần giao dịch vừa qua. Tỷ trọng danh mục hiện tại là 75% cổ phiếu và 25% tiền mặt.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Áp lực rút chạy của dòng tiền tiếp tục áp đảo phần lớn thời gian giao dịch trong tuần, tuy nhiên lực cầu bắt đáy cuối tuần cộng hưởng cùng những thông tin tích cực trên thế giới là điểm sáng để kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ giao dịch khởi sắc hơn trong tuần sau.
Bên cạnh đó, việc các nước đang có căng thẳng thương mại với Mỹ như Mexico hay Trung Quốc bắt đầu phát đi tín hiệu về khả năng ngồi lại vào bàn đàm phán trong thời gian tới cũng phần nào giải tỏa tâm lý tiêu cực đang hiện hữu của nhiều nhà đầu.
Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể giải ngân với tỷ trọng nhỏ vào những cổ phiếu ở mức vốn hóa trung bình, nhưng vẫn cần tuyệt đối tuân thủ kỷ luật đầu tư và sẵn sàng tất toán vị thế nếu thị trường diễn biến ngược với kỳ vọng.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi vẫn đứng ngoài thị trường trong tuần qua và tiếp tục duy trì mức tỷ trọng thấp 25% cổ phiếu trong danh mục.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận