Xử lý vi phạm về xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa: Chế tài chưa đủ mạnh
Tình hình gian lận về xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa thời gian qua diễn biến rất phức tạp và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ít vụ việc bị khởi tố hình sự…
Diễn biến phức tạp
Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu có uy tín trên thị trường thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Điển hình một số vi phạm như: Vụ việc sản phẩm VINACA giả thuốc chữa bệnh, khăn lụa Khaisilk, 14.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại của Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam giả nhãn mác Hàn Quốc, New Zealand nhưng lại đóng gói ở Hà Đông (Hà Nội). Hay những vi phạm của hệ thống cửa hàng MUMUSO về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa, công bố sản phẩm… Và một số doanh nghiệp kinh doanh đường nhập lậu, giả mạo xuất xứ hàng hóa tại Kiên Giang, Long An, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế.
Đặc biệt, vào tháng 3/2019, tại Khánh Hòa, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện và tịch thu hơn 3.000 đồng hồ giả các thương hiệu nổi tiếng cao cấp trên thế giới, trong đó có các dòng cao cấp của Thụy Sỹ như: Rolex, Hublot, Tag Heuer, Patek Philippe… Gần đây nhất, Cục QLTT Hà Nội cũng tạm giữ hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu hàng hóa Nike, Uniqlo, Adidas.
Cần sự phối hợp
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, công tác phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bất cập và khó khăn, do phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này rất đa dạng. Đối với hàng hóa đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Đối với hàng hóa không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp đa số người lao động có thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề...
Mặt khác, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự, xử lý dân sự ít. Một số văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất gây khó khăn cho lực lượng thực thi.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp, chủ thể quyền bị xâm phạm chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình với cộng đồng, với sản phẩm đang lưu thông trên thị trường, và chưa tích cực hợp tác với lực lượng chức năng. Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) - cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý e ngại phối hợp với các lực lượng chức năng do lo ngại sẽ giảm doanh số.
“Để cán bộ xác định một sản phẩm giả rất khó nếu không có sự phối hợp giữa hãng và chủ thể quyền” - ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường các giải pháp giám sát thị trường, chủ động thu thập thông tin, đánh giá thị trường để xây dựng phương án đấu tranh chuyên đề; tăng cường hợp tác với các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp chia sẻ, cung cấp thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận