Xử lý nợ xấu chưa vững, đồng ý kéo dài "cơ chế xử lý đặc thù"
Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo Quốc hội, sáng 24/5.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thời gian áp dụng Nghị quyết, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 (lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 70% tổng số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017).
Các hình thức xử lý nợ xấu được đa dạng hóa, đặc biệt là xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ tăng cao so với trước đây.
Một số biện pháp được thí điểm như mua bán nợ theo giá trị thị trường, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán từng bước phát huy tác dụng.
Các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu hoạt động sôi động hơn, hoạt động của VAMC đạt kết quả tốt, bước đầu tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng. (Ảnh: LT)
Xử lý nợ xấu chưa vững, lo ngại nợ xấu từ bất động sản, vay tiêu dùng, BOT
Trong giai đoạn 2017-2021, nợ xấu cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%; quy mô, năng lực tài chính của các TCTD được tăng cường; năng lực quản trị, điều hành tiếp tục được nâng cao. Hệ thống các TCTD tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42 chưa phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án...).
Đối với nợ xấu nói chung, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao; một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống như: bất động sản (chiếm 18,4%); cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%)...
Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, có ý kiến đề nghị đánh giá về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (được thực hiện đến ngày 30/6/2022), mặc dù chính sách này hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng có thể phản ánh không đầy đủ nợ xấu của hệ thống các TCTD, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
Đồng ý kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42
Về đề xuất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế thống nhất với đề xuất của Chính phủ.
Theo đó, kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách mà Nghị quyết đã mang lại, tránh gián đoạn, thiếu hụt cơ chế, tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ TCTD, VAMC đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý còn cao và dự báo có thể gia tăng trong thời gian tới.
Thời hạn kéo dài cũng phù hợp với thời gian triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, thể hiện quyết tâm trong khơi thông nguồn lực nhằm đạt được các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022 - 2023.
Bên cạnh đó, việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 cũng tạo điều kiện để Chính phủ có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, TSBĐ do đây là vấn đề khó, phức tạp, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều quy định khác nhau của pháp luật và ảnh hưởng đến nhiều đối tượng.
Có ý kiến tán thành việc kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết nhưng đề nghị cân nhắc sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết số 42 như mở rộng phạm vi của khoản nợ xấu.
Hai là bổ sung đối tượng là công ty mua bán nợ được áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu như VAMC; bỏ quy định trong hợp đồng bảo đảm phải có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu;
Đồng thời, bổ sung phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn đối với tranh chấp hợp đồng tín dụng hoặc hoàn trả TSBĐ là tang vật của vụ việc vi phạm hành chính....
Ngoài ra, trước áp lực nợ xấu của các TCTD dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, NHNN có các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng "nóng" vào các tài sản tiềm ẩn rủi ro cao.
Chính phủ cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay, đầu tư vào các tài sản rủi ro kể trên.
Một số giải pháp khác như xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt với những biến động của thị trường tiền tệ thế giới nhằm bảo đảm nguồn vốn được khơi thông; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng cường tính minh bạch, nâng cao khả năng quản trị điều hành, quản trị rủi ro, tăng cường năng lực tài chính nhằm bảo đảm các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về an toàn vốn và quản trị vốn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận