Xử lý nghiêm hàng hóa vi phạm, giả mạo
Để bảo vệ thương hiệu cho DN và quyền lợi người tiêu dùng, UBND TP. HCM vừa chỉ đạo các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo 389 TP. HCM (Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP. HCM) tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo nhã
Theo đó, lãnh đạo UBND TP.HCM đề nghị các đơn vị chức năng tăng cường tuần tra, kịp thời xử lý các hành vi buôn lậu, tàng trữ và vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, thời trang... giả mạo xuất xứ, nhãn mác ở khu vực cảng biển, cửa sông, bến bãi, tàu thuyền.
Bên cạnh đó, phải tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu và các khu vực; tổ chức đấu tranh phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ, hàng giả... trong quá trình nhập khẩu hàng hóa.
Đồng thời, tăng cường trinh sát, làm rõ phương thức, thủ đoạn, chủ động lập chuyên án để triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm vận chuyển, buôn bán hàng hóa tiêu dùng, thời trang... giả mạo xuất xứ, nhãn mác; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm như nhập lậu, phân phối, lưu thông trong thị trường nội địa các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài nhưng gắn nhãn mác "Made in Vietnam"…
Ngoài ra, thường trực UBND TP. HCM cũng chỉ đạo UBND các quận, huyện có trách nhiệm xử lý nghiêm hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn; tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu, đồng thuận và không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trước đó, trung tuần tháng 5, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đã có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường xử lý vi phạm với các hàng hoá giả mạo nhãn mác hàng Việt Nam. Theo nhận định của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, thời gian gần đây, mặt hàng tiêu dùng, thời trang là nhóm hàng được các đối tượng tập trung làm giả. Việc giả mạo hàng xuất xứ Việt Nam sẽ gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng DN xuất khẩu trong nước và thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ngoài yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhập lậu, phân phối, lưu thông trong thị trường nội địa các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài nhưng lại gắn nhãn mác "Made in Vietnam", Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đề nghị các địa phương và ban ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phát động toàn dân không bao che, tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ và tham gia tố giác các hành vi vi phạm.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý thị trường, đang có hiện tượng nhiều DN nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Việt Nam các mặt hàng chất lượng thấp, giá rẻ, không bảo đảm an toàn. Một số DN dùng thủ đoạn giả mạo bao bì, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của Việt Nam, thậm chí giả những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam, để lừa dối người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN Việt Nam. Những mặt hàng có vi phạm giả mạo xuất xứ phổ biến gồm có: thực phẩm, rau củ quả, hàng dệt may, giày dép, đồ chơi trẻ em, đồ dùng, thiết bị giáo dục; chất tẩy rửa, hàng gia dụng (đồ dùng nhà bếp, đồ nhựa, đồ dùng gia đình các loại), điện gia dụng (bóng đèn, dây điện, pin đèn...), điện tử, thiết bị xây dựng...
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 4 vừa qua, trả lời cho việc xuất hiện tình trạng hàng hóa gian lận “Made in Vietnam”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, vấn nạn này phải bị xử lý nghiêm. Ông Hải khẳng định “Ngành công thương đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, DN để giải quyết và giảm thiểu tình trạng đội lốt hàng Việt Nam”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận