Xử lý khủng hoảng tài chính, ngân hàng
Ngành tài chính, ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức lớn chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.
Tình hình hiện tại của ngành được phản ánh một cách chính xác và súc tích qua tiêu đề của một số bài báo xuất hiện với tần suất dồn dập trong thời gian ngắn gần đây như “Thách thức ‘bủa vây’ ngành chứng khoán”, “Ngân hàng Nhà nước đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt”, “Vòng xoáy rủi ro trái phiếu”, “Bộ Tài chính cam kết bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư”...
Điểm khởi đầu các vấn đề trong ngành có lẽ từ các vụ bắt bớ và các tin đồn và thuyết âm mưu đi liền với đó. Nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp hay người gửi tiền đột nhiên trở nên lo sợ với sự an toàn của tài sản của mình nên hoặc là chững lại trong các quyết định đầu tư, gửi tiền, hoặc là tìm cách thu hồi tài sản của mình để phòng bị những trường hợp xấu hơn, thậm chí mất trắng. Thực tế cũng đã có nhiều nhà đầu tư “mắc kẹt” với các khoản đầu tư trái phiếu của mình khi các doanh nghiệp phát hành không thực hiện (nổi) nghĩa vụ thanh toán của mình phần lớn do các lãnh đạo chủ chốt bị truy tố, bắt giam trong mấy tháng qua.
Để làm yên lòng và khôi phục lòng tin của nhà đầu tư và người gửi tiền, các động thái trấn an của cơ quan chức năng là hết sức cần thiết. Gần đây, Bộ Tài chính cam kết “phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư có liên quan” (1).
Còn Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong vụ SCB, một mặt trong ngày 8/10 ra khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền. Mặt khác, NHNN cũng khẳng định “sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung” (2).
Đến ngày 10/10, sau khi tình hình SCB vẫn tiếp tục căng thẳng, Thống đốc NHNN đã lên tiếng trấn an rằng “Ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có ngân hàng SCB thì đều được nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp. Tôi cho rằng những người gửi tiền ở SCB cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền nhất là trước hạn để đảm bảo quyền lợi của mình” (3). Dẫu vậy, SCB vẫn bị NHNN đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt” ngày 15/10.
Điểm chung của các động thái trấn an nhà đầu tư và người gửi tiền nêu trên trước tiên là sự thiếu vắng một tuyên bố rõ ràng về nguồn gốc các bất an, bất ổn trên thị trường tài chính, ngân hàng. Trong thời buổi thông tin có nhiều kênh ngoài các kênh chính thống để lan truyền và len lỏi đến từng ngóc ngách của xã hội như hiện nay thì việc thiếu công khai, cởi mở về các vấn đề đang diễn ra sẽ phải đi kèm các hậu quả bị khuếch đại một cách không đáng có, thoát ra ngoài tầm kiểm soát.
Một vài vụ bắt bớ trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu không thể đủ làm thị trường rúng động để Bộ Tài chính phải lên tiếng trấn an như trên. Rõ ràng là phải có một điều gì đó nghiêm trọng hơn đã xảy ra, hoặc là một giọt nước tràn ly. Nên Bộ Tài chính cần chỉ rõ điều gì đã xảy ra và tại sao nó lại ảnh hưởng mạnh và tiêu cực đến thị trường như vậy. Nếu không, các lời đồn đoán, thông tin giả, và thuyết âm mưu càng được dịp phát huy hết tác dụng của chúng trong việc nhấn chìm lòng tin của nhà đầu tư.
Tương tự, NHNN cũng đã không chỉ rõ nguồn cơn dẫn đến kết cục không tưởng của SCB. Người gửi tiền lạc lối và hoang mang không hiểu thực sự chuyện gì đang xảy ra và liệu nó có dẫn đến thảm họa nào cho tiền gửi của mình hay không, ngoài những tin đồn, thông tin không chính thống trên các trang mạng xã hội mà ít nhiều có phần là thật, đã xảy ra đúng như vậy.
Một điểm chung khác trong các động thái trấn an nhà đầu tư của các cơ quan chức năng là sự thiếu vắng các cam kết hành động cụ thể, có ý nghĩa, đủ sức nặng để làm an lòng nhà đầu tư, người gửi tiền.
Tuy có cam kết, nhưng cam kết mà Bộ Tài chính đưa ra lại hầu như không nói đến một hành động cụ thể nào có ích cho nhà đầu tư. Việc “phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư” vừa chung chung, vừa như đá quả bóng trách nhiệm sang các cơ quan chức năng. Mà quả thật là chuyện đá bóng này đã xảy ra nhãn tiền, vừa cách đâu không lâu, như trong vụ Tân Hoàng Minh, với nhà đầu tư không biết phải “kêu cứu” đến ai để lấy lại tiền mua trái phiếu.
Với NHNN, lời cam kết về mọi khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng “đều được Nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp” có thể là một cam kết rất “quyết liệt”, rất nặng cân để làm yên lòng một số người gửi tiền nào đó. Nhưng cái sự “đảm bảo” này của Nhà nước nếu không được cụ thể hóa ra dưới dạng công cụ, giải pháp nào đó thì sẽ không đủ sức thuyết phục, thậm chí phản tác dụng với đa phần người gửi tiền. Bởi công cụ liên quan đến neo giữ lòng tin của người gửi tiền được mọi người biết đến một cách rộng rãi chỉ là công cụ bảo hiểm tiền gửi, với mức bảo hiểm tối đa hiện thời chỉ là 125 triệu đồng cho mọi khoản tiền gửi dù là tới trăm, ngàn tỉ đồng.
Và nay, sự “kiểm soát đặc biệt” SCB cũng cần được đi kèm với công bố các thông tin thiết yếu như cụ thể nó là cái gì, có ảnh hưởng ra sao đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng, quyền lợi chính đáng của cá nhân/tổ chức gửi tiền (gồm cả những đối tượng “mắc kẹt”, chưa kịp rút ra) sẽ được tiếp tục như thế nào...
Tóm lại, muốn xử lý và kiểm soát khủng hoảng, bất ổn tài chính, ngân hàng thì cơ quan chức năng trước hết cần tăng cường minh bạch hóa thông tin để các tin đồn và thuyết âm mưu không làm xấu thêm tình hình. Đồng thời, cần đưa ra các giải pháp xử lý cụ thể có ý nghĩa và sức thuyết phục để kịp thời ngăn chặn, không làm lan truyền sự sợ hãi ra khắp các thị trường, dẫn đến sự tháo chạy bằng mọi giá nhanh nhất có thể của nhà đầu tư/người gửi tiền dù có thể chưa kịp hiểu điều gì đã và đang xảy ra, đúng hay sai, có lý hay vô lý.
-----
(1) https://thesaigontimes.vn/bo-tai-chinh-cam-ket-bao-ve.../
(2) https://thesaigontimes.vn/vu-tin-don-ve-scb-ngan-hang.../
(3) https://thesaigontimes.vn/thong-doc-nhnn-dam-bao-khoan.../
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận