Xử lý dứt điểm những tồn đọng vi phạm công trình thủy lợi
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình vi phạm công trình thủy lợi còn diễn biến phức tạp, một số địa phương có số vụ vi phạm lớn với trên 1.000 vụ; tỷ lệ các vụ vi phạm đã được xử lý chưa cao với 34.395 vụ/51.827 vụ vi phạm, chiếm trên 66%.
Nhiều vụ vi phạm chưa được xử lý kịp thời làm ảnh hưởng đến việc vận hành, an toàn công trình và làm ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, báo cáo tình hình vi phạm, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi năm 2021 của 61/63 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương cho thấy, tổng số các vụ vi phạm đã được phát hiện là 51.827 vụ, chủ yếu liên quan đến xây dựng công trình, lập bến bãi tập kết vật liệu, đào, lấp, xả rác thải, nước thải vào công trình thủy lợi.
Các vi phạm tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 50,39% tổng số vụ vi phạm cả nước; Đồng bằng sông Hồng chiếm 19,46%; Bắc Trung Bộ chiếm 18,38%...
Trong số các vụ các vi phạm thì vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi chiếm 88,8% số vụ vi phạm. Vi phạm quy định đổ chất thải, xả nước thải vào công trình thủy lợi chiếm 5,04%. Vi phạm gây cản trở dòng chảy của công trình thủy lợi chiếm 5,12%...
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về việc xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá và xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc địa bàn được giao phụ trách; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật các vụ việc tồn đọng, đặc biệt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, gây bức xúc trong dư luận.
Các tỉnh tăng cường giám sát, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc bảo vệ, xử lý vi phạm công trình thủy lợi theo quy định; tiếp tục triển khai thực hiện việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và bàn giao mốc chỉ giới cho UBND cấp xã nơi có công trình để phối hợp quản lý, bảo vệ.
Các tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trước khi xả vào công trình thủy lợi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình vi phạm công trình thủy lợi về hình thức, số lượng và mức độ ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường thuộc Công an các tỉnh, thành phố trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm công trình thủy lợi; tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về các nội dung được cấp phép theo quy định của pháp luật về thủy lợi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia việc cấp giấy phép môi trường và kiểm tra, giám sát hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật; công khai tình hình và kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên các phương tiện truyền thông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận