Xu hướng xe điện hóa, bắt đầu từ xe lai hay thuần điện?
“Xe xanh”, xe điện đang là từ khóa được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Từ hãng lớn tới hãng nhỏ bước vào “cuộc đua” điện hóa với các dòng xe được tích hợp động cơ điện như hybrid, plug-in hybrid cho đến xe thuần điện. Vậy tại Việt Nam xu hướng phát triển xe “xanh” đang đi theo hướng nào?
Cân nhắc dòng xe phù hợp cho từng giai đoạn
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), khi nghĩ tới xe điện, xe điện hóa, nhiều người sẽ nghĩ tới một loại xe chỉ cần dùng điện từ ắc quy hay pin là chạy được. Nhưng thực tế xe điện không đơn giản là như vậy. Chính vì lẽ đó mà các nhà sản xuất sử dụng thuật ngữ “xe điện hóa” thay cho thuật ngữ “xe điện” để mô tả chính xác hơn về loại xe này.
Về cơ bản, xe điện hóa được chia làm 4 loại. Đó là HEV (Xe điện hybid hay xe lai) dùng động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu; PHEV (Xe điện hybid sạc ngoài hay xe lai sạc ngoài) chạy bằng điện sạc từ nguồn bên ngoài, có tích hợp động cơ đốt trong; BEV (Xe điện hoàn toàn hay xe thuần điện) chạy hoàn toàn bằng điện được sạc từ nguồn bên ngoài; FCEV (Xe điện pin nhiên liệu) sử dụng khí hydro từ bình nén trộn với oxy lấy từ không khí để tạo ra điện để chạy xe.
Trong giai đoạn ngắn và trung hạn, để cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải khí CO2 và tiết kiệm nhiên liệu thì HEV và PHEV dễ dàng phổ biến tại Việt Nam, vì những dòng xe này không yêu cầu phải có hệ thống trạm sạc điện rộng khắp. Tuy nhiên, trong dài hạn thì BEV sẽ phổ biến hơn khi hệ thống trạm sạc được trải khắp và thời gian sạc điện được rút ngắn cùng với việc mở rộng các dạng năng lượng tái tạo.
VAMA cho rằng với tình hình giao thông Việt Nam hiện nay và việc còn thiếu các trạm sạc điện cho ô tô, cũng như cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam, Chính phủ nên cân nhắc dòng xe điện hóa nào là phù hợp trong giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để đạt được mục tiêu giảm phát khí thải và bảo vệ môi trường cũng như phát triển được ngành công nghiệp ô tô.
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, giai đoạn 2022 - 2030 sẽ thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện. Giai đoạn từ năm 2031 - 2050, hướng đến năm 2040 từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Trong bối cảnh đó và với các dòng xe trên, Hybrid được xem là bước chuyển tiếp từ xe động cơ đốt trong lên xe điện, tích hợp ưu điểm của cả xe xăng và xe điện khi vận hành êm ái mà tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải so với xe xăng. Với bài toán kinh doanh, các hãng xe có thể bán ngay xe Hybrid mà không cần đầu tư hạ tầng trạm sạc. Về phía những người tiêu dùng cũng có được sự thuận tiện, phù hợp với tình hình giao thông trong khi vẫn có thể trải nghiệm cơ bản với dòng xe điện hoá.
Doanh nghiệp nội "đi tắt đón đầu"
Từ thực thế trên, Toyota Việt Nam đã ra mắt các dòng xe Hybrid Corolla Cross, Altis và Camry để đón đầu cơ hội. Tuy nhiên, tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2022, nhiều hãng xe mang đã đến một số mẫu xe hybird và xe điện giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam; trong đó số xe điện áp đảo xe hybird.
Theo đó, Mercedes-Benz giới thiệu bộ đôi thuần điện EQS 450+ và 580 4MATIC; Audi giới thiệu xe e-tron GT Quattro; MG giới thiệu bộ đôi MG Marvel R và MG 4; Toyota giới thiệu xe điện bZ4X; Lexus và Mitsubishi cũng giới thiệu mẫu xe điện ý tưởng là LF-Z và XFC Concept… Trước đó, Hyundai cũng đã mang mẫu xe điện Ioniq 5 về Việt Nam cho khách hàng trải nghiệm và có thể lắp ráp trong nước; Kia cũng đã giới thiệu xe điện EV6…
Đại diện một liên doanh chia sẻ, việc các hãng đưa xe điện đầu tiên về Việt Nam chủ yếu thăm dò thị hiếu bởi giá xe điện khá cao trong khi cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đầy đủ nên chưa thể hấp dẫn người tiêu dùng. Thực tế, các hãng xe đang tập trung vào nhóm xe hybrid như một giải pháp trung gian trong quá trình chuyển đổi xe “xanh” và thích ứng nhanh hơn với các rào cản khí thải.
Không nằm ngoài “cuộc chơi”, VinFast là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam đã "đi tắt đón đầu" khi dừng sản xuất xe động cơ đốt trong, bỏ qua hybrid để tập trung cho chiến lược thuần điện theo xu thế toàn cầu. “Đây là quyết định bước ngoặt, đưa VinFast trở thành một trong những hãng xe xăng đầu tiên trên thế giới chuyển hẳn sang xe thuần điện chỉ sau ít năm phát triển”, ông Hoàng Chí Trung, Tổng giám đốc VinFast Trading Việt Nam chia sẻ, đồng thời cho biết thị phần xe điện sẽ tăng tốc rất nhanh và là xu thế không thể đảo ngược trong vài năm tới. Do đó, VinFast cần tranh thủ đi nhanh để giành lợi thế cạnh tranh. Nếu muộn hơn, chắc chắn Việt Nam sẽ mãi ở phía sau thế giới trên bản đồ công nghiệp - công nghệ cao toàn cầu.
Với kế hoạch trở thành hãng xe thuần điện, VinFast đã công bố sản xuất dải SUV điện hoàn chỉnh trải dài các phân khúc A, B, C, D và E, tương ứng với các dòng xe VF 5, VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9. Chỉ chưa đầy một năm công bố chiến lược thuần điện, bên cạnh hai mẫu xe điện VF e 34 và VF 8 phục vụ thị trường trong nước, cuối tháng 11/2022, VinFats đã xuất khẩu lô 999 xe VF 8 đầu tiên sang thị trường khó tính bậc nhất thế giới là Mỹ trong tổng số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF 8 và VF 9 trên toàn cầu. Sau thị trường Mỹ, VinFast sẽ xuất khẩu các lô xe VF 8 tiếp theo tới thị trường Canada và châu Âu để kịp bàn giao cho khách hàng vào năm 2023.
Theo thống kê của VinFast, trong năm 2022, đơn vị này đã bàn giao hàng nghìn xe ô tô điện cho khách hàng và sẽ tiếp tục bàn giao hàng hàng nghìn xe VF 5, VF 9 cho khách hàng đặt cọc sớm vào đầu năm sau.
Nhằm gỡ bỏ rào cản và e ngại của người tiêu dùng về vấn đề hết năng lượng giữa đường, VinFast đã và đang hoàn thiện hệ thống trạm sạc phủ rộng khắp trên toàn quốc. Đây cũng là một trong những chiến lược “hạ tầng đi trước, kinh doanh theo sau” của VinFast để hiện thực hóa mục tiêu phủ sóng xe điện trong tương lai.
Đặc biệt, để kích cầu sản xuất ô tô điện, một số chính sách ưu đãi về thuế được Quốc hội thông qua; trong đó có giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) ô tô điện. Cụ thể, với ô tô điện chạy pin loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ chịu mức thuế TTĐB từ 15% xuống còn 3% từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 28/2/2027; từ ngày 1/3/2027 là 11%. Bên cạnh đó còn có chính sách miễn, giảm lệ phí trước bạ lần đầu cho ô tô là 0% trong vòng 3 năm, áp dụng từ ngày 1/3/2022. Trong 2 năm tiếp theo, mức thu này sẽ bằng 50% so với mức thu của các loại xe xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Với chính sách giảm thuế và phí trên, giá bán và giá xe ô tô điện lăn bánh có thể sẽ hấp dẫn hơn người dùng, từ đó khuyến khích mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng ô tô điện tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia nhận định, dù hiện nay lượng xe điện bán ra thị trường vẫn rất khiêm tốn, nhưng với chính sách thuế và phí trên, cùng với việc nhiều hãng tham vào sân chơi này, doanh số loại phương tiện “xanh” này chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận