Xu hướng niêm yết bằng “công ty vỏ” sắp quét qua Grab, Gojek?
Grab và Gojek từ chối bình luận về tin đồn trở thành mục tiêu mua lại của các 'công ty vỏ' trên sàn chứng khoán (SPAC), tuy nhiên Traveloka chia sẻ rằng, họ sẽ sớm niêm yết công khai và đang cân nhắc sáp nhập với một SPAC.
SPAC là gì?
Một xu hướng mới trong hoạt động niêm yết sàn chứng khoán đã quét qua Phố Wall năm nay, và được dự báo sẽ sớm về Châu Á, đó là sự nổi lên của các công ty vỏ bọc, hay còn được gọi là công ty “séc trắng”, viết tắt là SPAC. Các SPAC đang săn lùng công ty công nghệ phát triển nhanh và sẵn sàng niêm yết.
SPAC là mô hình công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, huy động vốn thông qua đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), sau đó hợp nhất với các công ty khác để hỗ trợ niêm yết với thời gian rút ngắn.
Những mô hình như vậy đã huy động được tổng số tiền hơn 70 tỷ USD ở Mỹ trong năm nay, trở thành một trong những xu hướng đầu tư nóng nhất ở Phố Wall năm 2020. Nhiều nhà đầu tư lớn như Richard Li, Peter Thiel, David Sin, George Raymond Zage, hay các công ty đầu tư tài chính như CITIC Capital đều ủng hộ mô hình SPAC.
Sarab Bhutani, người đứng đầu bộ phận ngân hàng đầu tư khu vực Đông Nam Á của công ty tài chính Nomura, khẳng định: “Ngày nay, trong các cuộc thảo luận ở Châu Á người ta thường nhắc đến SPAC. Đông Nam Á sẽ là một thị trường trọng điểm với số lượng lớn các công ty công nghệ tăng trưởng nhanh”.
Thông thường, SPAC mua lại các công ty với thời hạn khoảng 2 năm, đặt ra mục tiêu cụ thể nào đó. Nếu không đạt được, họ sẽ trả lại toàn bộ tiền cho cổ đông đại chúng. “Hầu hết các công ty tăng trưởng mạnh ở Đông Nam Á đều thấy được lối thoát hiểm trong mô hình này và sẵn sàng hợp nhất với một SPAC” - Bhutani nói thêm.
Peter Kuo, chuyên gia của công ty đầu tư Canyon Bridge, nhận xét: “Các công ty Đông Nam Á có khá ít kinh nghiệm IPO và do đó cởi mở hơn với lựa chọn SPAC”.
Xu hướng niêm yết bằng "công ty vỏ" quét qua Đông Nam Á
Theo nguồn tin từ giới ngân hàng và luật sư, các SPAC đang đàm phán với khá nhiều công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á, trong đủ các mảng về công nghệ, chăm sóc sức khỏe và fintech... Họ còn cho biết những ứng dụng phát triển mạnh như Grab, Gojek, hay Bukalapak đều đã được tiếp cận, hoặc đang là mục tiêu của SPAC.
Grab và Gojek từ chối bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên, Traveloka, công ty vận hành nền tảng du lịch trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á, chia sẻ rằng, họ sẽ sớm niêm yết công khai trong thời gian tới và đang cân nhắc việc sáp nhập với một SPAC.
Quỹ Vision Fund của SoftBank cũng đang tìm cách huy động 525 triệu USD thông qua mô hình như vậy.
Tháng trước, SPAC của nhà đầu tư George Raymond Zage đã huy động được 276 triệu USD. Trong khi đó, công ty Bridgetown Holdings của Richard Li và Peter Thiel đã huy động được 595 triệu USD, trở thành SPAC lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Các SPAC nhắm vào Châu Á khác như CITIC Capital của Trung Quốc đã huy động được 240 triệu USD. Bên cạnh đó còn có một SPAC chăm sóc sức khỏe của David Sin, và một SPAC được hỗ trợ bởi công ty đầu tư Argyle Street Management.
Nhìn chung, giới đầu tư ở Châu Á đang kỳ vọng vào làn sóng sáp nhập SPAC trong một vài năm tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận