Xu hướng mới trong lĩnh vực thực phẩm hậu Covid-19
Đại dịch đã làm gia tăng nhu cầu của người dân đối với các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Gilbert Ghostine, Giám đốc điều hành của tập đoàn Firmenich, một trong những nhà bào chế gia vị hàng đầu thế giới cho biết: “Với đại dịch Covid-19, người tiêu dùng đột nhiên nhận ra rằng nếu hệ thống miễn dịch của họ yếu, thừa cân hay mắc bệnh tiểu đường, thì sẽ dễ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hơn. Sức khỏe và hạnh phúc là quan trọng. Do đó, tại thời điểm này, mọi người có ý thức hơn về những gì họ ăn”.
Những thay đổi về thói quen ăn uống tuy đã có trước đại dịch nhưng nay càng được tăng cường bởi cuộc khủng hoảng Covid-19. Điều này đã đặt ra lộ trình đầu tư trong 10 - 20 năm tới của Firmenich cũng như nhiều tập đoàn thực phẩm khác.
Theo ông Ghostine, hai xu hướng sẽ thiết lập ngành thực phẩm trong tương lai. Một là giảm hàm lượng đường trong thực phẩm; Hai là các sản phẩm thay thế thịt, trứng, sữa… có nguồn gốc thực vật.
Điều này không chỉ phản ánh mối quan ngại về biến đổi khí hậu và lượng khí thải carbon của vật nuôi, mà còn làm phong phú chế độ ăn kiêng linh hoạt, vốn tập trung vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhưng không loại bỏ hoàn toàn thịt.
Một báo cáo của Liên hợp quốc năm 2019 cho thấy, việc áp dụng nhiều hơn chế độ ăn uống từ thực vật có thể giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Công ty nghiên cứu thị trường Statista (cổng thông tin điện tử tích hợp dữ liệu của hơn 170 ngành công nghiệp và đã thực hiện trên 1 triệu số liệu nghiên cứu thống kê) cũng cho biết "thịt là một trong những loại thực phẩm nông nghiệp gây lãng phí tài nguyên nhất, chiếm một lượng lớn đất, nước và thức ăn. Bên cạnh đó, nó còn tạo khoảng 14,5% lượng khí thải nhà kính do con người gây ra”.
Hầu hết các lựa chọn thay thế thịt chủ yếu được làm bằng đậu nành, đậu Hà Lan, đậu xanh và gluten lúa mì... nhưng tảo và nấm cũng cho thấy nhiều hứa hẹn mới.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Credit Suisse cho biết, thị trường các sản phẩm thuần chay thay thế thịt và bơ sữa trên toàn cầu đã có trị giá khoảng 14 tỷ USD và sẽ lên tới 143 tỷ USD vào năm 2030, 1.400 tỷ USD vào năm 2050.
Cũng theo một nghiên cứu chung của công ty BCG (Mỹ) và Blue Horizon Corporation (Thụy Sĩ), đến năm 2035, các sản phẩm thay thế protein có thể được sử dụng để chế biến 9/10 món ăn truyền thống với giá thành rẻ và hương vị quen thuộc.
Thị trường kinh doanh các sản phẩm thay thế được dự đoán sẽ đạt doanh số ít nhất 290 tỷ USD vào năm 2035.
Theo kịch bản cơ bản, nó sẽ tăng từ 13 triệu tấn hiện tại lên 97 triệu tấn vào năm 2035, chiếm 11% tổng thị trường sản phẩm protein. Trong điều kiện công nghệ đổi mới nhanh chóng hơn nữa thì chỉ số này có thể cao gấp đôi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận