Xu hướng làm việc kiểu 'lười biếng' ngày càng lên ngôi trong lối sống của thế hệ trẻ
"Lazy job" hay còn gọi là xu hướng làm việc theo kiểu "lười biếng" với những công việc nhẹ nhàng, ít căng thẳng, đôi khi không cần đến văn phòng. Đây chính xu hướng sống nổi bật trong năm 2023 vừa qua được nhiều người trẻ lựa chọn.
"Lười biếng" ở đây những không có nghĩa là những người làm công việc thuộc nhóm này đều là những người không có động lực hoặc không làm việc chăm chỉ. Xu hướng này chỉ đơn giản là họ sẽ lựa chọn cho mình những công việc có mức thu nhập đủ chi tiêu cơ bản, có tính linh hoạt, cho phép người làm có nhiều thời gian rảnh rỗi cho bản thân thay vì một ngày 8 tiếng nơi công sở.
Xu hướng làm việc kiểu 'lười biếng' ngày càng lên ngôi trong lối sống của thế hệ trẻ (Ảnh: TL)
Theo báo cáo của Fiverr cho thấy thế hệ Z đang theo đuổi hoặc nghiêng về làm việc tự do, còn gọi là freelance. Hơn 10.000 người trong độ tuổi từ 16 - 26 đã tham gia khảo sát trên toàn thế giới. Một nửa số người được hỏi đang làm việc tại Mỹ.
Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng hơn 70% số người được hỏi thuộc thế hệ Z, nhóm người này cho biết trong năm 2024, họ nghĩ nhiều hơn về công việc tự do so với 2023. Cuộc khảo sát cũng cho thấy nhiều gen Z nghĩ nhiều hơn về việc chuyển sang làm tự do.
Theo một nghiên cứu của Google trong năm 2023, cứ 10 người lao động trẻ ở Việt Nam thì có 5 người nói họ đang nỗ lực ít hơn mức tối đa. Người lao động thế hệ Gen Z đang có xu hướng tìm kiếm những công việc ít căng thẳng hơn mà vẫn được trả mức lương hợp lý. Vì họ ưu tiên sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Trước tình hình kinh tế và cơ hội nghề nghiệp không mấy khả quan ở Việt Nam, chị Đ.T.Q.H (đến từ Hà Nội) chọn cách làm việc vừa đủ để dành thời gian làm những gì mình thích. Chia sẻ với PV Gia đình và Xã hội, chị H - 24 tuổi cho biết: "Trước đây, tôi từng là kế toán cho một công ty hoa xuất nhập khẩu ở Hà Nội. Tuy nhiên, tôi đã nghỉ việc ở đó 1 năm rồi. Khi đi làm, không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp cũng phải thưởng xuyên làm thêm giờ và chúng tôi luôn phải cố gắng làm việc để làm hài lòng cấp trên. Tôi làm được khoảng 1 năm tính từ thời điểm tốt nghiệp ra trường và quyết định xin nghỉ để đi kinh doanh thời trang online tại nhà. Một giây cũng đáng giá nghìn vàng mà, tại sao phải tự gò mình vào những nơi mang cảm xúc tiêu cực."
Tương tự, trường hợp chị N. Mai Linh - 24 tuổi (đến từ Hà Nam) cũng chia sẻ: "Đối với tôi, công việc công sở không có nhiều ý nghĩa. Những gì chúng ta làm trong văn phòng chỉ là hoàn thành công việc được giao và làm hài lòng những người khác trong môi trường công sở. Tại sao phải như thế trong khi mỗi con người đều mang lại một giá trị riêng cho cuộc sống. Vì vậy, tôi quyết định kinh doanh ngay từ khi mới ra trường.
Tôi về nhà vừa kinh doanh, vừa có thời gian chăm sóc gia đình. Hiện tại, thu nhập mỗi tháng của tôi cũng dao động khoảng từ 25 - 30 triệu/ tháng. Không quá cao so với mức sống ở Hà Nội nhưng đủ để trang trải cuộc sống."
Ông Zhou Yun, giảng viên Đại học Michigan, cho biết mặc dù một số thanh niên không có hứng thú với việc cạnh tranh và thăng tiến nơi công sở nhưng không thể bỏ qua sự bi quan của họ về tương lai.
Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, chỉ 45% gen Z cho biết sức khỏe tâm thần của họ ổn hoặc rất tốt trong khi các nhóm thế hệ khác đều có kết quả tốt hơn bao gồm: Millennials (56%), Gen Xers (51%) và Boomers (70%).
Con số trên đã cho thấy, khác với thế hệ cũ, thế hệ Z là thế hệ cực kỳ nhạy cảm về mặt cảm xúc. Họ sống trong xã hội hiện đại, khi ý kiến cá nhân ngày càng được xem trọng và ai cũng có thể bày tỏ cảm xúc cá nhân lên mạng xã hội một cách thoải mái nên gen Z dễ nhạy cảm, thậm chí là dễ tổn thương.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những bạn trẻ lại nhìn nhận rằng thách thức sâu sắc đối với những người trẻ tuổi là vượt qua bất bình đẳng xã hội cứng nhắc, kiểm soát cảm xúc của bản thân một cách nghiêm ngặt và tìm hướng có triển vọng trong nền kinh tế 'mờ mịt'.
Chị Huyền Thương (sinh năm 1997) đến từ Hà Nội, hiện đang là chủ một tiệm Nail nhỏ cho hay: "Tôi nghĩ nghề nào cũng có những mặt tích cực và hạn chế nhất định. Làm Nhà nước có cái hay của Nhà nước, mà đâu phải cứ thích là vào được đâu. Tôi ngưỡng mộ những người làm Nhà nước bởi họ có khả năng chuyên môn cao và tính thích nghi chịu áp lực quá tốt. Bản thân tôi nhìn nhận rằng không phải cái gì mình không làm thì điều đó không có sự triển vọng. Thực tế nhìn thấy, vắng mợ chợ vẫn đông mà.
Tôi đồng ý với quan điểm sống là làm những điều mình yêu, mình thích. Tuy nhiên, đó là khi chúng ta có công việc, có tiền. Dù làm ở đâu, môi trường nào cũng nên có cái nhìn tích cực và lâu dài, quan trọng là học cách tồn tại chứ không nên đưa ra quá nhiều phiến diện về nó."
Thành Long (SN 2003) đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học thổ lộ: "Em thấy thế hệ trước thường bị gò bó bởi ngôn từ, dễ ảnh hưởng đến cảm xúc cá nhân dẫn đến bị tiêu cực, khiến môi trường công sở thiếu lành mạnh, công việc trở nên bị động. Nên để cho các bạn trẻ thoải mái trong việc nêu lên ý kiến vừa thể hiện môi trường lành mạnh, vừa thấy được các bạn muốn cống hiến cho công việc.”
Chia sẻ thêm, Long nói: “Các bạn trẻ nghỉ làm thường do đã có định hướng khác, hoặc đơn giản chỉ vì các bạn không còn đáp ứng được nhu cầu của công việc. Những giá trị về tiền bạc thực chất chỉ phù hợp khi đảm bảo được sức khỏe và tinh thần của mỗi chúng ta".
Theo tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam đã chia sẻ trong một buổi gặp gỡ báo chí:
"Gen Z thường được khuyến khích phát triển tư duy tự chủ và khả năng đưa ra quyết định. Điều này có thể dẫn đến sự tự chủ cao và sẵn lòng thay đổi công việc nếu họ cảm thấy không hài lòng hoặc không phát triển.
Do được giáo dục trong một môi trường đề cao kỹ năng linh hoạt và sáng tạo, gen Z thường có khả năng nhanh chóng thích ứng với môi trường mới, điều này có thể làm tăng khả năng "nhảy việc".
Gen Z đặt sự trải nghiệm lên hàng đầu. Họ có xu hướng tìm kiếm công việc mang lại trải nghiệm tích cực và ý nghĩa. Nếu nơi làm việc không đáp ứng được điều này, họ có thể tìm kiếm cơ hội khác.
Tuy nhiên không phải tất cả bạn trẻ gen Z đều giống nhau. Có nhiều người trong thế hệ này vẫn có óc phản biện cao, tư duy sâu sắc và trung thành với nơi làm việc mà họ cống hiến. Tất cả nằm ở hệ giá trị, sự lựa chọn và sự phù hợp với mỗi cá nhân."
Bên cạnh đó, tiến sĩ tâm lý cũng cho rằng, Gen Z thường tìm kiếm công việc có ý nghĩa và tương thích với giá trị cá nhân, họ cũng thường đánh giá cao cơ hội học hỏi và phát triển nghề nghiệp, mong đợi môi trường làm việc linh hoạt và tích hợp công nghệ...
Hiểu được đặc tính gen Z thì việc xây dựng văn hóa công sở sẽ hoàn thiện, từ đó thu hút và giữ chân người tài hiệu quả hơn./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận