Xử đại án tham nhũng, kinh tế: Vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn
Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết bản án của các phiên tòa án kinh tế vừa đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện tính nhân văn và có tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Trong năm 2023 và đầu năm 2024 vừa qua TAND TP Hà Nội đã đưa loạt các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội ra xét xử. Trong đó, phải kể đến hành vi của các bị cáo tại 2 đại án Việt Á, Chuyến bay giải cứu đã nhận hối lộ, thất thoát hàng trăm tỉ đồng trong thời điểm cả nước chung tay chống dịch COVID-19, gây bức xúc xã hội.
Các bị cáo trong phiên toà Việt Á
Đánh giá về các bản án trong các vụ án, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết Toà đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, giải quyết đảm bảo trong thời hạn pháp luật quy định. Các vụ án hình sự xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
Theo Chánh án TAND TP Hà Nội, các phiên tòa diễn ra đảm bảo nguyên tắc tranh tụng bình đẳng, cả về hình thức lẫn nội dung. Hội đồng xét xử đã xem xét, cân nhắc đầy đủ các chứng cứ có trong hồ sơ, lời khai của các bị cáo và các bên tham gia tố tụng, quan điểm bào chữa của các luật sư, đặc biệt là phần tự bào chữa của các bị cáo… để ra những phán quyết công tâm, khách quan.
"Toà án áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, khoan hồng đối với những đồng phạm giúp sức có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chú trọng đến việc thu hồi tài sản tham nhũng. Các bản án các phiên tòa vừa đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện tính nhân văn và có tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung"- ông Chính nêu rõ.
Trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, theo ông Chính, Tòa án phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng, khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị, được dư luận đồng tình ủng hộ như vụ án Chuyến bay giải cứu; Việt Á, AIC…
Các bị cáo trong phiên toà cấp sơ thẩm vụ án Chuyến bay giải cứu
Chánh án TAND TP Hà Nội cho biết trong thời gian tới Toà sẽ tiếp tục đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dữ luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo. Cùng với đó, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản, chú trọng công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Trong bản án sơ thẩm vụ Việt Á, TAND TP Hà Nội đã tuyên nêu rõ, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; gây bức xúc xã hội, mất niềm tin trong nhân dân; gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách; thể hiện sự băng hoại giá trị đạo đức trong một bộ phận cán bộ công chức. Việc đưa các bị cáo ra xét xử và có bản án nghiêm khắc là cần thiết, nhằm trừng trị những cá nhân đi ngược lại với lợi ích chung của nhân dân.
Về tính chất đồng phạm, bản án cho rằng mỗi bị cáo đều tiếp nhận ý chí của nhau ở một mức độ, mỗi người là "mắt xích" trong tổng thể sai phạm... Vì thế, đây không phải vụ án có tính chất phạm tội có tổ chức. Bên cạnh đó, tòa đã cân nhắc kỹ lưỡng giữa "công" và "tội" trước khi đưa ra hình phạt đối với từng bị cáo. Riêng với những người đã nộp tiền và khắc phục hết hậu quả, là cấp dưới lệ thuộc, làm công ăn lương, đồng phạm với vai trò thứ yếu hoặc không hưởng lợi…, HĐXX cho hay sẽ áp dụng mức án dưới khung truy tố hoặc mức án bằng thời gian tạm giam.
Với tinh thần như đã nêu, bị cáo Phan Quốc Việt Tổng giám đốc Công ty Việt Á là người duy nhất bị tuyên mức án trong khung truy tố, với tổng hình phạt 29 năm tù về 2 tội vi phạm đấu thầu và đưa hối lộ. 6 cựu quan chức bị truy tố tội nhận hối lộ, với khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, cả 6 người đều được hưởng mức án dưới khung như ông Nguyễn Thanh Long (nhận 2,25 triệu USD) cựu bộ trưởng Bộ Y tế 18 năm tù; bị cáo Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC Hải Dương (nhận 27 tỉ đồng) 13 năm tù; bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu phó vụ trưởng thuộc Bộ KH-CN (nhận 350.000 USD) 14 năm tù; bị cáo Nguyễn Minh Tuấn, cựu vụ trưởng thuộc Bộ Y tế (nhận 300.000 USD) 8 năm tù; bị cáo Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của bị cáo Nguyễn Thanh Long (nhận 4 tỉ đồng) 9 năm tù; bị cáo Nguyễn Nam Liên, cựu vụ trưởng thuộc Bộ Y tế (nhận 100.000 USD) 7 năm tù.
Ngoài ra, còn có 3 bị cáo bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm: bị cáo Nguyễn Văn Trịnh, cựu rợ lý Phó thủ tướng, bị tuyên 4 năm tù; bị cáo Phạm Xuân Thăng, cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, 5 năm tù; bị cáo Phạm Mạnh Cường, cựu giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương, 4 năm tù. 2 người bị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, gồm bị cáo Chu Ngọc Anh và bị cáo Phạm Công Tạc (cựu thứ trưởng Bộ KH-CN), cùng bị tuyên 3 năm tù. 25 bị cáo còn lại bị tuyên từ 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 15 năm tù.
Riêng vụ án Chuyến bay giải cứu, trong số 54 bị cáo, TAND TP Hà Nội đã tuyên 4 án chung thân đối với Phạm Trung Kiên cựu thư ký ông Nguyễn Thanh Long, Vũ Anh Tuấn cựu phó trưởng phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và Nguyễn Thị Hương Lan cựu cục trưởng Cục Lãnh sự (thuộc Bộ Ngoại giao) cùng về tội Nhận hối lộ; bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên) bị chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Tô Anh Dũng cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao 16 năm tù về tội Nhận hối lộ. Các bị cáo khác bị tuyên từ 15 tháng tù cho hưởng án treo đến 18 năm tù.
Cuối tháng 12-2023, cấp phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên y án đối với Phạm Trung Kiên, Vũ Anh Tuấn và Nguyễn Thị Lan Hương. Bị cáo Hoàng Văn Hưng do đã nhận tội và khắc phục số tiền đã chiếm đoạt nên đã được giảm từ chung thân xuống 20 năm tù.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận