Xóa kẽ hở, cơ chế "xin - cho" để phòng, chống tham nhũng
Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Xóa kẽ hở, cơ chế "xin - cho" để phòng, chống tham nhũng
Tập trung làm rõ bản chất của vụ án, vụ việc nhất là bản chất tư lợi, chiếm đoạt để xử lý phù hợp, nghiêm minh nhưng nhân văn, thấu tình, đạt lý; tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ kẽ hở, cơ chế xin-cho trong quản lý kinh tế xã hội… là những đề xuất được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng từ năm 2013 - 2020, nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
*Làm rõ bản chất vụ án
Một trong những điểm sáng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua là chất lượng công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng.
Các cơ quan tố tụng trong đó có cơ quan điều tra của lực lượng công an nhân dân đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt phương châm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Đây là “kim chỉ nam” cho hoạt động điều tra và là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần điều tra, xử lý triệt để các vụ án tham nhũng thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, một số vụ đặc biệt nghiêm trọng mà trước đó cho là có "vùng cấm, nhạy cảm"; nhiều vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tồn đọng từ nhiều năm trước được xử lý dứt điểm, nghiêm minh, đúng pháp luật, không còn tình trạng xử lý thiếu kiên quyết, kéo dài, "chìm xuồng".
Việc mở rộng điều tra các vụ án được thực hiện triệt để, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi của các đối tượng. Điển hình là vụ Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng và đồng phạm tham ô tài sản.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an, yếu tố tư lợi trong các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn đã được chứng minh, làm rõ. Công tác thu hồi tài sản được quan tâm ngay từ giai đoạn điều tra. Tỷ lệ thu hồi chung đạt trên 60%, nhiều vụ thu hồi được 100% tài sản phạm tội như vụ án xảy ra Tổng Công ty viễn thông Mobifone, vụ án Hứa Thị Phấn xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín…
Nhiều tài sản bị tẩu tán, chuyển nhượng, che giấu, thậm chí cả tài sản đã bị chuyển ra nước ngoài cũng được phát hiện, truy nguyên ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu.
Nếu như trước đây, công tác điều tra, xử lý các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chưa điều tra được hành vi rửa tiền thì trong một số vụ án tham nhũng gần đây, cơ quan điều tra đã phát hiện, điều tra và khởi tố được về tội danh “rửa tiền”.
Việc tài sản tham nhũng được chuyển hóa như thế nào, được chuyển cho ai, bằng cách nào đã được cơ quan điều tra xác định, chứng minh, phong tỏa và thu hồi triệt để. Những kết quả này đã bảo vệ thành quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bảo vệ uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt, năm 2020, công tác điều tra án tham nhũng có kết quả rất nổi bật. Đó là chủ động nhận diện, chọn điểm đột phá, đánh trúng tội phạm, truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, góp phần lan tỏa, làm chuyển biến tình hình trong một số lĩnh vực nhạy cảm như phòng chống dịch COVID-19, xã hội hóa dịch vụ y tế, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị của đất nước.
Điển hình, các cơ quan đã phát hiện, điều tra, khởi tố hành vi thông đồng với các đơn vị thẩm định, nâng giá gấp 3 - 5 lần thiết bị y tế để hưởng lợi tại Trung tâm CDC Hà Nội và tại Bệnh viện Bạch Mai.
Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng, công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm tham nhũng phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả với các cơ quan của Đảng trong việc xử lý kỷ luật của Đảng mở đường, tạo điều kiện cho kỷ luật của chính quyền, của đoàn thể và xử lý hình sự.
Thứ trưởng Bộ Công an chỉ rõ, hành vi phạm tội có sự đan xen, gắn kết giữa hành vi vi phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và hành vi tham nhũng. Đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Tuy nhiên, có nhiều người là cán bộ, công chức, người lao động hưởng lương, phụ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của đối tượng phạm tội, là người đứng đầu đơn vị, tổ chức, công ty bị ràng buộc bằng cơ chế hành chính, mệnh lệnh, thiếu nhận thức về hành vi, việc làm của mình.
“Vì vậy, quá trình điều tra phải tập trung làm rõ bản chất của vụ án, vụ việc nhất là bản chất tư lợi, chiếm đoạt, phân hóa vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng để xử lý phù hợp, nghiêm minh nhưng nhân văn, thấu tình, đạt lý”, Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.
*Tập trung giám sát những vấn đề lớn
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua, Quốc hội đã thực hiện xây dựng, hoàn thiện và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, đạt được những kết quả nổi bật.
Cụ thể, pháp luật về tổ chức bộ máy Nhà nước được tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực trong tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước trong đó có kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng đã được xác lập rành mạch hơn.
Quy định của pháp luật về tài chính công, tài sản công cơ bản đáp ứng yêu cầu mới đặt ra trong quá trình đổi mới nền kinh tế, cải cách hành chính, góp phần phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, loại bỏ cơ chế “xin – cho”, tập trung xử lý tình trạng “sân sau”, “đầu tư chéo”, “sở hữu chéo”…
Pháp luật về văn hóa, xã hội, giáo dục được xây dựng và hoàn thiện tương đối đầy đủ, hạn chế kẽ hở cho công chức lợi dụng để nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, giám sát thực hiện pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng nói riêng đã được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường, chú trọng.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, hằng năm, Quốc hội đều dành thời gian để thảo luận các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; về tình hình kinh tế - xã hội; về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Quốc hội cũng thảo luận về các Báo cáo giám sát chuyên đề về phòng, chống tham nhũng; giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát thông qua hoạt động chất vấn, giải trình, ban hành nghị quyết về kết quả giám sát.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường chỉ rõ, thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội đã chỉ ra được nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác này. Cụ thể, công tác ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa kịp thời và đầy đủ. Việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn thấp. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình còn hạn chế…
Trên cơ sở giám sát, Quốc hội đã làm rõ trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đã ra các nghị quyết về nội dung này. Từ đó, đã bước đầu tạo ra các chuyển biến rõ nét hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Đảng đoàn Quốc hội tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ cơ chế “xin-cho” trong quản lý kinh tế - xã hội; tiếp tục cụ thể hóa, quy định rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước.
Trong công tác giám sát, tập trung giám sát những vấn đề lớn trong đời sống kinh tế - xã hội liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tập trung đôn đốc theo dõi, giám sát việc thực hiện kết luận sau giám sát.
*Không để "tham nhũng vặt" hôm nay trở thành tham nhũng lớn của ngày mai
Đề cập tới tình trạng “tham nhũng vặt”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho rằng, thời gian qua, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan…
Tình trạng “tham nhũng vặt” như căn bệnh ngứa, ghẻ, thường xuyên hành hạ, làm khổ người dân và doanh nghiệp, gây bức xúc, xói mòn niềm tin, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước tình trạng đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có chỉ đạo quyết liệt. Chính phủ cũng khẩn trương triển khai các biện pháp để phòng, chống tham nhũng vặt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2009 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Mặc dù vậy, tình trạng này vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi hơn dư luận, quần chúng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn bức xúc.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm chỉ rõ, thời gian tới, cần có những biện pháp cụ thể, kiên quyết hơn nhằm giảm thiểu tiến tới chấm dứt tình trạng này. Từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ của mình phải nỗ lực, góp sức nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đặc biệt là người đứng đầu cơ quan thanh tra nhà nước.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, thời gian qua, ngành Thanh tra đã khắc phục nhiều hạn chế trong phát hiện, xử lý tham nhũng, thông qua hoạt động thanh tra, nỗ lực thanh tra kết luận, chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ việc sai phạm nghiêm trọng. Từ đó, cơ quan điều tra đã khám phá, xử lý vụ án tham nhũng, trong đó có nhiều vụ án lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra Nhà nước trong việc phòng, chống "tham nhũng vặt", phát hiện xử lý hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng nói chung, ngăn chặn hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp nói riêng, thời gian tới, ngành Thanh tra sẽ tiếp tục tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng tiêu cực.
Đặc biệt, ngành sẽ lựa chọn để thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên, có sự tiếp xúc giữa cán bộ công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp; nhất là những khâu, lĩnh vực đã xảy ra vi phạm hoặc có nhiều dư luận, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực.
“Ngành Thanh tra kiên quyết kiến nghị xử lý nghiêm đối với các trường hợp qua thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm với phương châm hành động là: Kiên quyết chống mọi biểu hiện tham nhũng, xử nghiêm, xử mạnh theo đúng quy định của pháp luật. Không để "tham nhũng vặt" ngày hôm nay trở thành tham nhũng lớn của ngày mai", Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận