Xiaomi tham gia lĩnh vực sản xuất chip nhớ
Tập đoàn công nghệ Xiaomi của Trung Quốc đã nắm giữ khoảng 6% cổ phần của công ty thiết kế chip VeriSilicon Holdings Co Ltd, giữa bối cảnh Xiaomi tiếp tục theo đuổi lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.
Cụ thể, trong một hồ sơ gửi lên Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) được hồi tuần trước, VeriSilicon tiết lộ một quỹ đầu tư do Xiaomi điều hành đã trở thành cổ đông lớn thứ hai của họ kể từ hồi tháng Sáu năm nay.
Xiaomi sau đó đã xác nhận khoản đầu tư này. Tuy nhiên, cả hai doanh nghiệp đều từ chối tiết lộ giá trị thực tế của khoản đầu tư.
VeriSilicon có trụ sở tại Thượng Hải và có các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D) đặt tại Trung Quốc và cả ở Mỹ.
Công ty này thường là một nhà thầu phụ cho các công ty sản xuất chip khác, phụ trách việc hoàn thành các phần bổ sung của thiết kế cho các chất bán dẫn.
Kể từ khi phát hành mẫu điện thoại thông minh (smartphone) đầu tiên vào năm 2011, Xiaomi đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng vô cùng nhanh chóng.
Theo số liệu mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường IDC, Xiaomi đã trở thành công ty bán smartphone lớn thứ tư trên toàn thế giới trong quý đầu tiên của năm 2019. Tuy nhiên, tập đoàn này lại chưa có nhiều thành công trong mảng tự sản xuất chip.
Hồi năm 2014, Xiaomi đã thành lập một bộ phận chuyên về chất bán dẫn và ba năm sau đó đã công bố mẫu chip đầu tiên của họ có tên Surge S1.
Con chip này được tích hợp trong mẫu smartphone Mi 5C của Xiaomi, nhưng không được ứng dụng rộng rãi hơn.
Kể từ đó, Xiaomi không hề đưa ra bất cứ thông báo lớn nào về hoạt động sản xuất chip của mình.
Cho đến tháng Tư năm nay, một bản ghi nhớ nội bộ thông báo rằng Xiaomi sẽ tách một phần của bộ phận sản xuất chất bán dẫn thành một công ty con có tên Big Fish tập trung vào sản xuất chip cho các thiết bị trong hệ thống Vạn vật kết nối Internet (IoT).
Vụ mua cổ phần trong VeriSilicon được cho là một phần của nỗ lực trở lại lĩnh vực sản xuất chip của Xiaomi.
Xiaomi cũng không đơn độc trong tham vọng về mảng chip nhớ. Công ty con chuyên về chất bán dẫn HiSilicon của Huawei đang sản xuất bộ vi xử lý Kirin cho các dòng smartphone của riêng tập đoàn này. Không chỉ các công ty công nghệ mới tham gia mảng chip nhớ.
Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group Holding Ltd hồi năm ngoái đã mua lại nhà sản xuất chip Trung Quốc C-Sky.
Các nhà quản lý của tập đoàn này sau đó cho biết họ sẽ “trình làng” mẫu chip sử dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên vào nửa cuối năm 2019./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận