Xi măng Công Thanh: Từ đỉnh cao về vực sâu
Với mức lỗ 615 tỷ năm 2018, lỗ lũy kế của Xi măng Công Thanh đã lên đến 2.287 tỷ đồng, vượt quá vốn góp của chủ sở hữu (vốn điều lệ 900 tỷ). Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Sau khi “hóa rồng” với số vốn điều lệ vọt lên 2.000 tỷ đồng, nhưng chu kỳ đi xuống của Xi măng Công Thanh đã bắt đầu từ vài năm nay do gánh nặng nợ vay ngày càng chồng chất trên tổng tài sản.
CTCP Xi măng Công Thanh vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 với việc tiếp tục thua lỗ và bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Tuy nhiên, công ty đã được cơ cấu lại phương án trả nợ mới. Cụ thể năm 2018, Xi măng Công Thanh ghi nhận doanh thu thuần tăng 9% lên 3.372 tỷ đồng. Tuy nhiên, gánh nặng lãi vay quá lớn (788 tỷ) khiến công ty thua lỗ 615 tỷ đồng. Năm 2017, doanh nghiệp lỗ 1.038 tỷ đồng.
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động
Cuối 2018, tổng tài sản của Xi măng Công Thanh là 13.525 tỷ đồng. Nợ phải trả là gần 14.912 tỷ và vốn chủ sở hữu âm 1.387 tỷ đồng. Tổng vay nợ ngắn và dài hạn của doanh nghiệp lên đến 8.240 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng nguồn vốn. Mặc dù mất cân đối tài chính và gánh nặng nợ vay rất lớn, Xi măng Công Thanh đã được cơ cấu phương án trả nợ. Vào ngày 18/12/2018, các khoản nợ của công ty tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã được bán lại cho Công ty Quản lý tài sản các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và lịch trả nợ được cơ cấu lại. Theo kế hoạch trả nợ mới, công ty cho biết có thể đáp ứng khả năng thanh toán các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động kinh doanh trong năm sau.
Vay ngắn hạn của Xi măng Công Thanh cuối 2018 là 1.401 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) là 450 tỷ đồng. Khoản vay nợ 951 tỷ tại VietinBank đã được chuyển toàn bộ sang VAMC. Vay dài hạn tổng cộng là 6.839 tỷ đồng đã được VietinBank bán toàn bộ sang VAMC. Trong đó vay dài hạn đến hạn trả là 4.559 tỷ và trái phiếu thường đến hạn trả là 2.280 tỷ đồng.
Khoản vay dài hạn 4.559 tỷđược VietinBank bán lại cho VAMC và được VAMC ủy quyền thực hiện việc đòi nợ, thu hồi nợ gốc và lãi, quản lý tất cả các khoản nợ mà VietinBank đã bán lại cho VAMC, xử lý tài sản đảm bảo. Biên bản làm việc giữa Xi măng Công Thanh và VAMC ngày 28/3, VAMC yêu cầu công ty thực hiện thanh toán nợ theo kế hoạch đã đề xuất tại Văn bản số 110/2019/CCT ngày 14/2/2019. Lịch trả nợ có thể được điều chỉnh nếu tình hình hoạt động có thay đổi tốt hơn.
Theo đó, khoản vay dài hạn được cơ cấu đến năm 2035 và công ty phải thanh toán nợ gốc từ 2017 đến 2035 dựa trên lịch trả nợ đã thỏa thuận. Phần thanh toán lãi vay lũy kế đến 2018 sẽ được phân bổ trả từ 2022 đến 2027. Phần lãi vay phát sinh sau đó sẽ phân bổ để trả theo kế hoạch dòng tiền 2022-2035. Phần lãi phát sinh còn lại chưa trả sẽ được thanh toán hết đến 2035.
Với khoản trái phiếu thường 2.280 tỷ, lịch trả nợ được điều chỉnh như sau: năm 2018 trả 50 tỷ, năm 2019 là 150 tỷ, năm 2020 là 200 tỷ và giai đoạn 2021-2035 thanh toán tiền nợ gốc còn lại. Với phần lãi trái phiếu lũy kế đến 2018 sẽ thanh toán từ 2022 đến 2027, phần lãi phát sinh giai đoạn sau sẽ thanh toán từ 2022 đến 2035.
Mục tiêu xa vời?
Riêng trong năm 2019, Xi măng Công Thanh đặt mục tiêu doanh thu 4.241 tỷ đồng,lợi nhuận sau thuế 10,075 tỷ đồng. Nhưng tình hình tài chính khủng hoảng trầm trọng của Tập đoàn Công Thanh – Xi măng Công Thanh đang là nỗi ám ảnh của ban lãnh đạo, cổ đông và đối tác. Tuy nhiên, có lẽ không ai lo lắng bằng chủ nợ của doanh nghiệp này - ngân hàng Vietinbank.
Theo báo cáo tài chính công bố gần đây nhất của Xi măng Công Thanh, đa phần tài sản của Xi măng Công Thanh là tài sản dở dang dài hạn. Tính đến cuối năm 2015, giá trị tài sản dở dang của đơn vị này lên tới 12.281 tỷ đồng, tương đương 89,21% tổng tài sản tại cùng thời điểm. Dự án mà Công ty rót tiền vào đáng kể nhất là Dự án Xi măng Công Thanh Dây chuyền 2 với giá trị tương đương 12.130 tỷ đồng. Đây là dự án xi măng lớn nhất Việt Nam giai đoạn đó, được khởi công từ tháng 10/2009, khánh thành vào cuối năm 2016. Dự án có quy mô công suất 12.500 tấn clinker/ngày, tương đương 6 triệu tấn xi măng/năm.
Thế nhưng, cũng chính tại công trình “đáng tự hào” này, Công Thanh đang phải đối mặt với rủi ro lãi suất được vốn hóa đối với dự án, và thị trường xi măng cạnh tranh khốc liệt. Theo lịch trình được công bố, từ năm 2017 - 2023, mỗi năm Công ty sẽ phải trả thêm 240 tỷ đồng lãi vay cho dự án này. Từ năm 2024 - 2029, nợ vay phải trả mỗi năm ước đạt 290 tỷ đồng, chỉ tính riêng cho khoản vay trái phiếu dự án nói trên.
Câu hỏi đặt ra là: "Liệu có cơ may nào cho Vietinbank đòi lại số nợ khủng này?". Để tìm kiếm câu trả lời, có lẽ chỉ cần nhìn vào hoạt động của Xi măng Công Thanh ở những dự án "trọng điểm nhất" để đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp này.Hiện, tại khu kinh tế Nghi Sơn, tập đoàn Công Thanh đã đăng ký đầu tư tất cả 9 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký ngót nghét 50.000 tỷ đồng. Thế nhưng, dự án Nhà máy Xi măng Công Thanh được xây dựng hoàn chỉnh và hoạt động tổng thể cả 2 dây chuyền từ đầu năm 2016. Còn lại, các dự án khác đều chậm tiến độ trong thời gian dài.
Nhiều dự án của Xi măng Công Thanh chưa triển khai như: Tuyến băng tải từ nhà máy XMCT ra cảng Công Thanh (18km); đầu tư bến cảng tổng hợp số 6 (6,47ha); dự án du lịch biển Golden Coast Resort tại huyện Tĩnh Gia (15,36 ha; được chấp thuận chủ trương từ… 2008). Nhà máy nhiệt điện Công Thanh (21.480 tỷ đồng; 70ha); Cảng chuyên dụng Công Thanh (2.212,86 tỷ đồng; 22,5ha)…
Với việc Xi măng Công Thanh đầu tư lãng phí kéo dài, cộng thêm tài chính yếu đuối đặt trong trạng thái liên tục xin gia hạn, giãn hoãn tiến độ các dự án quy mô chiếm đất lớn... thì không biết kế hoạch trong năm 2019 của Công Thanh có hoàn thành, và “chủ nợ” Vietinbank cũng đã đến lúc phải lo lắng?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận