Xếp hạng tín nhiệm: Nói dễ hơn làm!
Xếp hạng tín nhiệm được xem là một trong những giải pháp quan trọng để minh bạch thông tin giữa tổ chức phát hành trái phiếu và nhà đầu tư, làm nền tảng cho sự phát triển lành mạnh của thị trường. Tuy vậy, sự hợp tác của các đơn vị được xếp hạng trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu chính xác và đầy đủ là một thách thức lớn đối với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
Lợi ích lớn dễ thấy
Theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP, đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, từ ngày 1/1/2024, hồ sơ chào bán trái phiếu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm, áp dụng với những doanh nghiệp có tổng giá trị trái phiếu huy động trong 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu. Đối với phát hành trái phiếu ra công chúng, theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 1/1/2023, tổ chức phát hành phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm.
Thực tế, xếp hạng tín nhiệm đã trở thành một thông lệ và văn hóa kinh doanh ở hầu hết các nước trên thế giới, nhằm minh bạch thông tin giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tại đa số các quốc gia trong khu vực châu Á (Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ...) đều yêu cầu bắt buộc phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức phát hành khi phát hành trái phiếu ra công chúng. Trong đó, Ấn Độ quy định phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với cả hai hình thức phát hành đại chúng và riêng lẻ.
Bá Thị Thu Huệ, Giám đốc Thương mại, FiinRatings
Malaysia mặc dù đã bỏ quy định bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm đối với các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp từ năm 2015 và bỏ quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với phát hành ra công chúng kể từ năm 2017, nhưng do đây là thông lệ tốt nên các tổ chức phát hành tại nước này vẫn duy trì.
Về phía nhà đầu tư, hầu hết các nước có thị trường vốn phát triển cũng yêu cầu các định chế đầu tư đại chúng (quỹ mở, quỹ tương hỗ), quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm, công ty bảo hiểm... phải đầu tư vào trái phiếu được xếp hạng. Trong khu vực ASEAN, Thái Lan hiện đang áp dụng quy định này. Đây là một hướng đi nhằm phát triển cơ sở nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp mà Việt Nam có thể áp dụng.
Hiện tại, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa được phép đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp; các quỹ mở và công ty bảo hiểm cũng bị hạn chế khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (theo Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2022 thì không được đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ, dù chất lượng tín dụng doanh nghiệp tốt hay xấu).
Tại Việt Nam, Bộ Tài chính - cơ quan quản lý trực tiếp của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm đã đưa ra lộ trình phát triển cho ngành xếp hạng tín nhiệm. Tính đến nay, có 4 tổ chức nội địa được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, gồm Công ty cổ phần FiinRatings (FiinRatings), Công ty cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Ratings (Saigon Ratings), Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) và mới đây là Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm S&I (S&I Ratings).
Trong vài năm trở lại đây, ngành xếp hạng tín nhiệm nội địa đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ. Hiện tại, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nội địa tại Việt Nam đã thực hiện xếp hạng và công bố cho hơn 70 doanh nghiệp được phân bổ ở rất nhiều ngành khác nhau. Kết quả xếp hạng tín nhiệm đã hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động huy động vốn, tối ưu chi phí vốn của doanh nghiệp.
Ngoài việc giúp doanh nghiệp chủ động minh bạch hóa, điểm xếp hạng tín nhiệm cũng đang được sử dụng bởi các nhà đầu tư như một nguồn tham khảo, bên cạnh các đánh giá và phân tích nội bộ. Thực tế cho thấy, sự phức tạp trên thị trường cũng như thiếu công cụ định giá chính là nguyên nhân khiến nhà đầu tư đối mặt nhiều rủi ro khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Việc theo dõi và đánh giá kỹ lưỡng về lợi suất đầu tư và các yếu tố rủi ro là rất quan trọng trong việc tận dụng cơ hội và hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Để thực hiện điều này, nhà đầu tư có thể sử dụng các thông tin chi tiết về lợi suất do các đơn vị tư vấn đầu tư, định giá, xếp hạng tín nhiệm có uy tín cung cấp.
Với dịch vụ xếp hạng, đường cong lãi suất là hạ tầng mềm quan trọng của thị trường vốn. Đối với nhà đầu tư cá nhân, đường cong lãi suất giúp họ hiểu rõ hơn về rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng, từ đó đưa ra quyết định đầu tư tốt hơn. Đối với nhà đầu tư tổ chức, đường cong lãi suất giúp xác định và điều chỉnh tỷ trọng đầu tư của trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục đầu tư, triển khai và ứng dụng các mô hình đầu tư và quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế.
Kết quả xếp hạng tín nhiệm là cơ sở quan trọng cho quyết định của nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu
Văn hóa xếp hạng chưa hình thành
Ngành xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý cũng như nhờ vào nỗ lực từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nội địa. Tuy nhiên, hoạt động xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam hiện vẫn đối mặt với nhiều thách thức do văn hóa xếp hạng chưa được hình thành. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của việc được xếp hạng tín nhiệm, cũng như những lợi ích có thể mang lại từ việc xếp hạng tín nhiệm và minh bạch hóa. Sự hợp tác của các đơn vị được xếp hạng trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu chính xác và đầy đủ cũng là một thách thức lớn đối với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
Để góp phần phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam lành mạnh và bền vững thông qua phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm, chúng tôi có một số kiến nghị:
Thứ nhất, áp dụng rộng rãi quy định về việc xếp hạng tín nhiệm với các trái phiếu chào bán cho nhà đầu tư cá nhân (dù chuyên nghiệp hay không), thay vì chỉ dùng các tiêu chí về chỉ số tài chính như quy mô, mức độ đòn bẩy trái phiếu theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP như hiện nay. Thực tế, có những doanh nghiệp có số dư trái phiếu doanh nghiệp thấp nhưng lại có rủi ro cao. Do đó, quy định này tiềm ẩn rủi ro bỏ sót các doanh nghiệp như vậy khi chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường.
Thứ hai, ngân hàng thương mại vẫn là nhà đầu tư lớn trên thị trường trái phiếu. Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cho các ngân hàng thương mại đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nếu ngân hàng đó đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và xếp hạng tín nhiệm nhất định.
Thứ ba, có thể áp dụng xếp hạng tín nhiệm độc lập vào việc hình thành quy định về phân bổ tài sản theo rủi ro nhằm phát triển cơ sở nhà đầu tư tổ chức vào trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm quỹ hưu trí tự nguyện, bảo hiểm, quỹ trái phiếu…
Thứ tư, có thể áp dụng xếp hạng tín nhiệm vào việc cải thiện thủ tục phê duyệt và cấp phép chào bán trái phiếu ra công chúng. Như tại Malaysia, bất cứ trái phiếu nào có mức xếp hạng cao (AAA) đều có thể được phê duyệt phát hành. Việt Nam cũng nên áp dụng cơ chế phê duyệt nhanh cho các doanh nghiệp có mức xếp hạng A trở lên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận