Xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử năm 2018 của cơ quan Nhà nước
Theo Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị trí đứng đầu về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan quan ngang bộ.
Ngày 25/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển Chính phủ điện tử - Đánh giá kết quả và chia sẻ bài học kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử của các bộ, ngành và địa phương năm 2018.
Tại hội thảo, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã công bố “Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 2018”.
Số liệu sử dụng trong báo cáo này được tổng hợp từ báo cáo tình hình ứng dụng công nghệ thông tin quý IV năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và qua công tác kiểm tra trực tuyến trên trang, cổng thông tin điện tử của các cơ quan.
Theo báo cáo này, Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị trí đứng đầu về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan quan ngang bộ.
Bộ Công Thương vươn lên vị trí thứ 2 và Bộ Thông tin và Truyền thông đứng ở vị trí thứ ba. Hai bộ này được được coi là có tiến bộ vượt bậc so với năm 2017 (Bộ Công Thương đứng ở vị trí 17 năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông xếp thứ 7).
Đối với các cơ quan thuộc Chính phủ, đây là năm thứ hai liên tiếp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về chỉ số đánh giá tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, vị trí thứ 2 thuộc về Thông tấn xã Việt Nam và thứ 3 là Đài Truyền hình Việt Nam.
Trong đó, Thông tấn xã Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam được đánh giá có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.
Về tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng xếp ở vị trí đầu bảng, tiếp đó là Thừa Thiên – Huế. Các tỉnh tiếp theo đứng trong top 10 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Bình Dương, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Thanh Hóa và Bình Định.
Đáng chú ý, bảng xếp hạng năm nay ghi nhận sự cố gắng vượt bậc của Ninh Bình, vượt 34 bậc so với năm 2017 (vị trí thứ 50), vươn lên giữ vị trí thứ 16. Ngoài ra, bảng xếp hạng cũng ghi nhận sự chuyển biến vượt bậc của một số tỉnh như: Hậu Giang (vượt 32 bậc, đứng thứ 27), Nam Định (vượt 30 bậc, đứng thứ 22), Quảng Nam (vượt 27 bậc, xếp thứ 31),…
Từ kết quả báo cáo, tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những phân tích, đánh giá về việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trong các cơ quan Nhà nước hiện nay, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả.
Theo bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách quản trị công, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, số người dùng internet ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng, các cơ quan Nhà nước cũng xây dựng thêm nhiều dịch vụ hành chính trên nền tảng điện tử.
Thống kê cho thấy, số người sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền để làm thủ tục hành chính tăng nhẹ qua các năm. Tuy nhiên, việc phổ biến dịch vụ chính quyền điện tử còn hạn chế. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường phổ biến thông tin về sự hiện diện của cổng dịch vụ công trực tuyến (một cửa điện tử) của chính quyền để người dân biết đến và sử dụng nhiều hơn.
Đồng thời, chia sẻ thông tin về chính sách, quy trình, thủ tục, biểu mẫu tới người dân, cải thiện khả năng tiếp cận và mức độ đơn giản, dễ sử dụng của các cổng thông tin điện tử nhằm tăng cường tương tác trực tuyến giữa chính quyền và người dân.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông , Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng: Chính phủ điện tử thực hiện hai chức năng chính là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho ngườidân và thực hiện chức năng tương tác, trao đổi thông tin giữa chính quyền với người dân.
Vì vậy, dịch vụ công trực tuyến phải đạt hiệu quả và chất lượng, giúp giảm chi phí, giảm thời gian giao dịch, nâng cao tính minh bạch, công khai, chống tham nhũng. Đồng thời, việc cung cấp thông tin cho người dân qua cổng thông tin điện tử cũng cần duy trì thường xuyên, cập nhật; tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước./.
>>E-government của Hàn Quốc thêm tiện ích dịch vụ phiên dịch trực tiếp
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận