Xem xét trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội trong vụ chỉ định thầu máy xét nghiệm ở CDC
Theo các luật sư, cần xem xét trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội trong việc buông lỏng quản lý để cho trung tâm này thực hiện những việc hành vi vi phạm trong đấu thầu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội.
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) nhận định, trong khi toàn thể nhân dân cả nước cùng chung tay với Chính phủ chiến đấu với dịch bệnh. Có những em nhỏ đập cả con heo đất cùng chung tay hỗ trợ người khó khăn trong dịch thì hành động của nhóm đối tượng này thật là vô cảm, khó mà chấp nhận được. Nhóm bị can trong đó có 3 cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) là những người được Nhà nước giao trọng trách kiểm soát bệnh tật. Đáng lẽ, họ phải cùng cả nước chung tay chống dịch đem lại sự sống cho người dân thì họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chính sách mua sắm máy móc, thiết bị y tế để nâng khống giá, gian lận trong đấu thầu gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Hành vi của các bị can đã cố ý, có tổ chức và có sự bàn bạc. Do đó, ngoài 7 người đã bị khởi tố, cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ thêm những cá nhân, tổ chức liên quan nếu có. Trong đó cần xem xét trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội trong việc buông lỏng quản lý để cho trung tâm này thực hiện những việc như đã nêu trên.
Theo quy định tại Luật Đầu thầu thì người có thẩm quyền là người quyết định phê duyệt dự án hoặc người quyết định mua sắm theo quy định của pháp luật. Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư, người có thẩm quyền là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Là đơn vị chủ quản của CDC, việc mua sắm vật tư phòng dịch được giao toàn quyền cho Sở Y tế thực hiện. Việc Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị, cán bộ tiến hành các hoạt động trên là thực hiện công việc theo thẩm quyền được phân công và phải có trách nhiệm với công vụ nêu trên. “Như vậy có thể thấy trong trường hợp này thì người đứng đầu phải là Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chứ không phải là Giám đốc CDC và đương nhiên Sở phải chịu trách nhiệm này”, luật sư Bình nói.
Hơn nữa, Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định hạn mức chỉ định thầu:“Gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm: 1. Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; 2. Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
Luật sư Diệp Năng Bình khẳng định: “Mọi hoạt động dù cấp bách hay thường xuyên vẫn phải đảm bảo quy định của pháp luật. Nhất là trong việc mua sắm bằng ngân sách, phải đảm bảo nguyên tắc đấu giá, đấu thầu, xác minh thông tin giá thành, nguồn gốc tài sản. Phải luôn có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh thất thoát cho ngân sách Nhà nước và mồ hôi của nhân dân”.
Ls Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết thêm, khi dịch bệnh xảy ra thì vai trò, trách nhiệm của lĩnh vực y tế dự phòng, kiểm soát bệnh tật lại rất quan trọng có thể nói rằng đây đang là tuyến đầu chống dịch, quyết định nhiều vấn đề liên quan đến kế hoạch, phương án phòng và chống dịch. Thời điểm dịch bệnh xảy ra thì lĩnh vực y tế dự phòng, kiểm soát bệnh tật sẽ có trọng trách nặng nề và là niềm hy vọng của nhiều người dân trong việc phòng chống dịch bệnh dịch này.
Tuy nhiên, theo thông tin từ phía Cơ quan điều tra Bộ Công an (C03) thì một số cán bộ của trung tâm này lại cấu kết với doanh nghiệp để ăn chặn tiền trong quỹ phòng chống bệnh dịch thông qua hành vi gian lận giá của máy móc thiết bị y tế, vi phạm quy định về đấu thầu thiết bị, vật tư y tế.
Hành vi trục lợi trong hoạt động đấu thầu thiết bị y tế tại CDC Hà Nội theo như thông tin từ phía cơ quan điều tra là hành vi đáng lên án, táng tận lương tâm, cần phải làm rõ và có chế tài nghiêm khắc.
Với thông tin ban đầu thì Cơ quan điều tra, Bộ Công an đang khởi tố các đối tượng có liên quan về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong trường hợp kết quả giải quyết vụ án hình sự có căn cứ cho thấy các đối tượng đã thực hiện hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu hoặc Chuyển nhượng thầu trái phép Gây thiệt hại cho nhà nước từ 100.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Trong trường hợp thiệt hại đến 1 tỉ đồng đồng thì các đối tượng sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.
Với thông tin ban đầu thì với mỗi máy xét nghiệm, các đối tượng này đã nâng khống, làm thất thoát của nhà nước 4,7 tỉ đồng. Bởi vậy, các đối tượng sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất của tội danh này là 20 năm tù. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì hậu quả được xác định là làm thiệt hại đến tài sản của nhà nước.
Tuy nhiên nếu các bị can trong vụ án này còn có hành vi chiếm đoạt tài sản (chiếm đoạt tài sản của nhà nước) thì sẽ xem xét thêm tội danh về yếu tố chiếm đoạt, có thể là tội chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hoặc tội tham ô tài sản. Trường hợp số tiền này được nhà nước giao cho trung tâm này quản lý, giám đốc trung tâm và một số đối tượng có ý định chiếm đoạt một phần số tiền này nên đã “vẽ ra” chuyện mua máy móc thiết bị y tế. Việc mua máy móc thiết bị y tế làm thủ đoạn để chiếm đoạt tiền của nhà nước (mà mình đang quản lý) thì đây là tội tham ô tài sản. Với tội tham ô tài sản mà số tiền chiếm đoạt 1 tỉ đồng trở lên thì các đối tượng sẽ đối mặt với mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Vấn đề này cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ các yếu tố cấu thành tội phạm để xác định tội danh cho đúng.
Luật sư Cường cho biết, theo thông tin báo Tiền Phong đưa sáng 24/4 thì ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc CDC Hà Nội trước đây đã có nhiều đơn thư tố cáo về sai phạm vào năm 2017 và năm 2018. Nếu nội dung tố cáo đã được giải quyết nhưng nay có thêm thông tin mới về sai phạm hoặc nội dung tố cáo chưa được giải quyết thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ, nếu có sai phạm đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
“Vụ án này được phát hiện, xét xử kịp thời, nghiêm minh sẽ là bài học để răn đe cho các đối tượng bất chấp đạo đức, táng tận lương tâm, ăn chặn tiền của nhà nước, bòn rút nguồn ngân sách chống dịch đang có gặp nhiều khó khăn trong thời điểm chống dịch hiện nay”, Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận