Xem phục hồi thị trường bất động sản là cú hích để phục hồi kinh tế sau đại dịch
Đó là ý kiến của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ Quốc gia tại tọa đàm "Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng nay 28-10.
TS. Lịch cho biết: “Tôi đang kiến nghị với TPHCM trong chương trình trung hạn phục hồi kinh tế, xem phục hồi thị trường bất động sản là bước đột phá để dẫn dắt, kích thích sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và TPHCM nói riêng".
Để làm được việc này, đối với TPHCM, bất động sản là 1 trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực để phát triển. Giờ hỗ trợ doanh nghiệp khởi động trở lại, cần nhóm chính sách: Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ tất cả nút thắt, thông qua đại dịch lần này thì thấy thắt chỗ nào phải gỡ chỗ đó để doanh nghiệp bung lên. Hiện TPHCM có tới hơn 170 dự án tồn đọng, cần tháo gỡ nhanh những dự án này để cho họ khởi động.
Tuy nhiên theo chuyên gia này, khó khăn là mỗi dự án lại có một vướng khác nhau nên không để gom chung tất cả vào để xử lý mà phải có hướng xử lý khác nhau cho từng dự án. Dù vậy, nhất quyết phải gỡ bởi đây là bước khởi động đầu tiên để cho thị trường bất động sản kích hoạt.
Ngoài ra, TPHCM cần xem đầu tư công như kích thích để tăng tổng cầu. Với kinh nghiệm nhiều năm cho thấy cứ 1 đồng đầu tư công sẽ kích thích đầu tư xã hội từ 8-10 đồng. Nếu giải ngân đầu tư công 50.000-60.000 tỷ đồng sẽ kích thích thị trường 500.000-600.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản hoàn toàn có khả năng tự phục hồi. Doanh nghiệp không xin hỗ trợ tiền mà chỉ xin tháo gỡ cơ chế chính sách, chỉ cần những nút thắt về mặt chính sách được giải quyết thì thị trường địa ốc sẽ bật dậy mạnh mẽ như chiếc lò xo bị nén chặt.
Liên quan đến nguồn vốn cho thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực cho rằng không giảm mà vẫn tăng, tính đến hết quý 3 vừa qua, nguồn vốn tín dụng bất động sản tăng khoảng 6%. Hiện tổng dư nợ tín dụng bất động sản chiếm khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của toàn bộ nền kinh tế.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài - FDI vẫn rất tích cực. Trong 9 tháng đầu năm, nguồn vốn đăng ký mới đạt 1,74 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, đứng thứ 2 sau lĩnh vực chế biến, chế tạo...
Riêng góp vốn mua cổ phần vào M&A bất động sản cũng đạt gần 1 tỷ USD và chiếm khoảng 23%...
Trao đổi với PV, Tổng giám đốc DRH Ngô Đức Sơn cho rằng, thị trường bất động sản đã qua khó khăn nhất, nếu cơ quan chức năng có những chính sách tốt sẽ tạo đà hưng phấn cho thị trường trong thời gian tới. Một trong những vấn đề cần tháo gỡ ngay là thủ tục đầu tư và gói kích cầu cho người mua nhà.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận