Xe lắp biển số giả vẫn lọt trạm thu phí ETC?
Việc một số trường hợp xe không đi qua trạm thu phí nhưng vẫn bị trừ tiền qua tài khoản thu phí không dừng (ETC) khiến chủ xe bức xúc. Nguyên nhân là từ xe gắn biển số giả.
Hành vi vi phạm pháp luật
Mới đây một chủ xe đã đăng tải thông tin về việc thỉnh thoảng lại bị trừ tiền từ tài khoản ETC từ một xe mang biển số giả. Theo thông tin, chủ phương tiện đã được VETC cung cấp do một xe ô tô cùng màu, cùng biển số với xe của anh thực hiện hành vi gian lận.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam - VDTC (đơn vị cung cấp dịch vụ ETC với thẻ ePass) cho rằng việc xe dùng biển giả vẫn có thể qua được trạm thu phí được, việc này chỉ xảy ra khi 1 chiếc xe cùng nhãn hiệu cùng màu lấy biển số của 1 xe khác để thực hiện hành vi lừa đảo.
Dán thẻ ePass cho xe ôtô. Ảnh: Phi Long
Tuy nhiên, khi xe qua trạm barie sẽ không tự động mở vì không đọc được thẻ, nhân viên của trạm thu phí sẽ đến hỗ trợ và sẽ được chủ xe cho biết lỗi thẻ và lỗi này do hệ thống của ETC, khi nhân viên kiểm tra biển số thì thấy trong tài khoản có tiền và mở barie cho xe qua. Trong trường hợp phát hiện sai sót, đơn vị phải hoàn tiền cho khách hàng và phối hợp cùng cơ quan công an (CSGT) triển khai xử lý.
Theo ông Trần Ngọc Kiên - Phó Tổng giám đốc VETC, hành vi dùng biển đăng ký xe giả, che biển, dán biển hoặc chỉnh sửa thông tin trên biển số xe là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này đã gây phiền toái, bức xúc cho chủ phương tiện mang biển số thật và khó khăn, phức tạp cho các cơ quan chức năng.
Về phía người bị hại, khi phát hiện bị trừ phí oan, chủ phương tiện cần báo ngay cho nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị thu phí và lực lượng chức năng tại địa bàn đặt trạm thu phí để xử lý kịp thời.
Cũng theo ông Kiên, hiện có 2 bước kiểm tra, bước 1 là kiểm tra biển số và bước 2 đọc thẻ dán trên xe để nhận biết có đúng thẻ của xe hay của xe khác. Máy công nghệ sẽ đọc thẻ. Trong trường hợp thẻ lỗi, nhân viên sẽ kiểm tra biển số xe và trừ tiền qua tài khoản. Khi có khiếu nại, VETC sẽ cảnh báo trên toàn hệ thống về phương tiện mang biển số xe giả này và sẽ dừng cung cấp dịch vụ ở trạm thu phí tiếp theo. “Hiện chúng tôi đã phối hợp với lực lượng công an xử lý nhiều trường hợp”, ông Kiên cho hay.
Phạt đến 6 triệu đồng
Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Vũ Văn Toàn - Công ty Luật TNHH Tản Viên Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc bị trừ tiền oan là do lỗi nhận dạng trong hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ. Đơn vị thu phí cần hoàn trả tiền cho chủ phương tiện mang biển thật, xin lỗi công khai và có giải pháp khắc phục hệ thống. Đây là không phải lỗi của khách hàng, nếu đơn vị thu phí không giải quyết thỏa đáng thì chủ phương tiện có thể khởi kiện ra tòa.
Theo đó, nhà cung cấp dịch vụ và đơn vị thu phí phải có giải pháp về mặt công nghệ để nhận dạng và phát hiện những trường hợp làm sai lệch biển số, tránh xử lý sai cho người dân.
Mặt khác, cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm hành vi này.
Về phía người dùng biển đăng ký giả, che biển, dán biển hoặc chỉnh sửa thông tin trên biển số xe (nếu bị phát hiện) sẽ bị xử lý theo Điểm a Khoản 6 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28.12.2021 của Chính phủ) quy định:
“Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc)”.
Ngoài ra, tại Điểm e Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lí vi phạm hành chính 2012 về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính: Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, hành vi đăng ký xe giả, che biển, dán biển hoặc chỉnh sửa thông tin trên biển số xe sẽ bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng với cá nhân và 8 đến 12 triệu đồng với tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe có thể bị tịch thu giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy đăng ký xe, biển số không đúng quy định; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận