Xe gắn máy cũng bị phạt nguội qua camera
Việc áp dụng phạt nguội, căn cứ bằng hình ảnh do camera ghi lại góp phần hạn chế vi phạm, tăng cường đảm bảo ATGT trên các tuyến phố. Tuy nhiên, đối với xe gắn máy, việc xử phạt gặp nhiều khó khăn nên tình trạng người điều khiển phương tiện thiếu ý thức chấp hành, phạm luật khi vắng bóng lực lượng chức năng vẫn diễn ra thường xuyên.
Ít chủ xe quan tâm
Hiện nay tại một số nút giao thông trọng điểm tại trung tâm Hà Nội đã được lắp đặt thiết bị camera ghi lại hình ảnh các phương tiện vi phạm giao thông. Những hình ảnh phương tiện vi phạm đều được truyền dẫn về trung tâm điều hành, làm căn cứ để lực lượng chức năng tiến hành xử phạt các chủ xe, phương tiện.
Có thể kể đến các nút Cửa Nam - Lê Duẩn; Hàng Đậu - Trần Nhật Duật... lượng phương tiện vi phạm là không ít nhưng thường chỉ mắc chung một lỗi phổ biến là "Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông".
Điều đặc biệt là thay vì chỉ tiến hành phạt nguội với ô tô, lực lượng CSGT còn thực hiện đối với những chủ xe gắn máy không tuân thủ, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Thực tế, việc xử phạt nguội được áp dụng song song ở cả ô tô và xe gắn máy, đã được pháp luật quy định.
Theo thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến - Tổ trưởng Tổ Xử lý vi phạm giao thông - Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội), khi một phương tiện vi phạm, nếu Tổ công tác tra cứu trước đó xe có vi phạm mà chưa làm thủ tục nộp phạt thì sẽ nhắc nhở, cho xem lại hình ảnh vi phạm lần trước rồi lập biên bản, yêu cầu làm thủ tục nộp phạt.
Ví dụ như trường hợp xe máy BKS 29G1 - 470.7x từng vi phạm lỗi "Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" trên đường Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn được Trung tâm điều khiển giao thông, Công an TP Hà Nội ghi lại hình ảnh vi phạm. Sau đó, người điều khiển xe là chị Phương Nga (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) lại tái vi phạm lỗi tương tự.
Khi CSGT dừng xe, chị Nga mới biết mình từng vi phạm trước đó, đến khi lực lượng chức năng đưa ra hình ảnh, chứng cứ rõ ràng, người điều khiển phương tiện này đành ký vào biên bản vi phạm.
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Định (phường Quang Trung, quận Hà Đông) cũng ngỡ ngàng khi được thông báo, từng vi phạm lỗi vượt đèn đỏ trên đường Lê Duẩn tháng trước. Khi bị xử phạt, anh này vẫn đinh ninh chỉ xe ô tô mới bị phạt nguội vì còn liên quan đến đăng kiểm, nay mới biết phương pháp này áp dụng cả cho xe gắn máy.
Nhan nhản vi phạm
Theo trung tá Nguyễn Ngọc Thuyên - Đội phó Đội CSGT số 1, đơn vị phụ trách tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm tại các tuyến đường địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết, trong quãng thời gian từ ngày 15/11 đến nay, Đội CSGT số 1 phối hợp với Trung tâm điều khiển giao thông đã ghi lại 45 lỗi vi phạm giao thông qua hệ thống camera này, trong đó chỉ có 1 ô tô.
Những vi phạm này sẽ được thông báo bằng văn bản cho chủ xe theo địa chỉ đứng tên trong đăng ký xe, đồng thời được cập nhật trên hệ thống chung để các Tổ công tác Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội đều nắm bắt được.
Ngoài việc gửi thông báo vi phạm về địa chỉ của chủ phương tiện, CSGT sẽ xử phạt nguội khi dừng xe, phát hiện các lỗi vi phạm trực tiếp của phương tiện đó. Tuy nhiên, việc xử phạt nguội với xe máy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ phát hiện, xử lý ít hơn nhiều so với xe ô tô.
Vì với xe ô tô, ngoài việc gửi thông báo vi phạm về địa chỉ nhà còn chuyển thông tin qua đăng kiểm để nếu chủ xe không nộp phạt sẽ không thể đăng kiểm khi đến hạn, tuy vậy phương án này không áp dụng được cho xe máy. Do vậy, những trường hợp xe máy bị phạt nguội là do lực lượng chức năng phát hiện lỗi trực tiếp, sau đó tra cứu thông tin lưu trữ trên hệ thống.
Với công nghệ phát triển hiện nay, hình ảnh vi phạm dễ dàng được ghi lại và nếu xử phạt nghiêm minh những vi phạm này sẽ góp phần tích cực nâng cao công tác đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng có thể xử phạt căn cứ theo hình ảnh người dân ghi nhận, do vậy trong thời gian tới đây, sẽ còn không ít trường hợp xe máy vi phạm bị xử lý.
Tuy vậy, rất nhiều trường hợp được gửi thông báo phạt nguội nhưng số lượng người chấp hành nộp phạt theo quy định còn rất ít. Trong đó, có cả trường hợp người dân cố tình chây ì không đi nộp phạt. Tuy nhiên, điều này có thể khiến chủ phương tiện chịu mức phạt hành chính cao hơn.
Luật sư Khúc Thị Quyên - Công ty luật Tiền Phong cho biết, theo khoản 1 Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Nếu không nộp phạt nguội đúng hạn, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp (khoản 1 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính).
Các lỗi vi phạm thường gặp và mức xử phạt đối với xe gắn máy quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:
- Chuyển làn không có tín hiệu báo trước (không xi nhan) có mức xử phạt 100.000 - 200.000 đồng quy định tại Điểm i khoản 1 Điều 6. - Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ, có mức xử phạt 400.000 - 600.000 đồng quy định tại Điểm a khoản 3 Điều 6. - Vượt đèn đỏ, đèn vàng (lưu ý: Đèn tín hiệu vàng nhấp nháy thì được đi nhưng phải giảm tốc độ) có mức xử phạt 600.000 - 01 triệu đồng quy định tại Điểm e khoản 4 Điều 6. - Đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (đi sai làn), có mức xử phạt 400.000 - 600.000 đồng quy định tại Điểm g khoản 3 Điều 6. - Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều" có mức xử phạt 01 - 02 triệu đồng quy định tại khoản 5 Điều 6. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận